Lỗ tiền tỷ “ôm” đất vùng ven TP.HCM

Cập nhật 31/05/2017 09:12

Chỉ trong vòng 6 tháng qua, nhiều người mua đất nền ở khu vùng ven TP.HCM có thể đã bị lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.


Nhiều nhà đầu tư đã lỗ tiền tỷ do cơn sốt đất vùng ven TP.HCM hạ nhiệt

Cơn sốt đất hạ nhiệt, nhiều người lỗ nặng

Sau khi chính quyền TP.HCM công bố công khai, cộng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng dẹp loạn “cò” đất “thổi” giá, cơn sốt đất tại TP.HCM đã chững lại. Điều này cũng khiến không ít nhà đầu tư “tay mơ” đối mặt với lỗ nặng.

Tại huyện Nhà Bè, nơi cách đây vài tháng từng là điểm nóng của đầu tư đất nền, anh Hùng một nhân viên văn phòng môi giới BĐS cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, số lượng người điện thoại đến hỏi mua đất nền tại khu vực này giảm mạnh. Thậm chí một số chủ đầu tư, lo ngại giá nhà đất lao dốc nên đã ký gửi bán lại với giá giảm khoảng 2-5 triệu đồng/m2.

Sau một hồi lang thang tại khu vực này trong vai người đi mua nhà, PV Báo Giao thông được giới thiệu đến chủ đầu tư một miếng đất 200m2 tại khu vực này là anh Nguyễn Văn Trung. Anh Trung nói cuối năm 2016, nghe bạn bè nói giá đất sẽ tăng mạnh vì đường băng qua khu vực này sẽ mở rộng nên anh đã mua với giá 22 triệu/m2. Tổng giá trị miếng đất là 4,4 tỷ đồng. Chờ mãi giá không thấy lên, giờ muốn bán không có ai hỏi mua. Hiện, giá đất khu vực này đã giảm xuống mức dưới 20 triệu đồng. Coi như chỉ vài tháng anh Trung đã lỗ khoảng 800 triệu đồng.

Tương tự, khảo sát ở khu vực đất nền huyện Bình Chánh thuộc khu vực xa trung tâm TP.HCM, giá đất cách đây 2 tháng được rao bán khoảng 4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay hỏi lại nhiều vị trí bán chưa đến 2 triệu đồng/m2. Anh Dũng, nhà ở Gò Vấp cho hay, miếng đất anh mua ở khu vực Nhà Bè tiếp giáp về khu vực Cần Giờ là 1.000m2 mua được từ 2 năm trước của người dân địa phương. Cách đây nửa năm cũng có khách hỏi mua, nhưng thỏa thuận giá không phù hợp nên không bán. Nay muốn bán thì… không ai hỏi mua. “Giờ đất thành bỏ hoang, nên tôi cho chính người đã bán đất cho mình sử dụng để nuôi gà nuôi vịt. Coi như lỗ”, anh Dũng nói.

TP.HCM: Dư nợ bất động sản 164.000 tỷ đồng

Anh Phạm Văn Long, cán bộ thẩm định giá bất động sản một ngân hàng ở TP.HCM cho biết, từ giữa năm 2016, nhiều người đổ xô buôn đất ở khu vực vùng ven như huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B… “Cò” thổi giá đất nền ở khắp nơi nên giá đất khu vực này tăng vọt. Tại những khu vực này vào năm 2015 chỉ có giá 10 triệu đồng thậm chí thấp hơn nhưng đỉnh điểm có lúc lên đến 20 triệu m2. Đến nay, thị trường đất nền lại có dấu hiệu xì hơi, giá đất đang quay đầu giảm mạnh khiến không ít người đau khổ vì lỗ nặng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho thấy, quý I/2017, trong tổng dư nợ của toàn TP.HCM trên 1,5 triệu tỷ đồng thì có 164.000 tỷ đồng cho bất động sản, chiếm 10,88%. Trước cảnh báo thị trường BĐS có dấu hiệu “sốt” ảo, đặc biệt là đất tại các khu vực vùng ven trên địa bàn TP.HCM, các ngân hàng hiện đang kiểm soát chặt hơn khi cho vay lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, việc rót vốn vào lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng thương mại được tiến hành rất chặt chẽ và thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn an toàn, hiệu quả, tránh rủi ro nợ xấu. Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng vào bất động sản giai đoạn 2007 - 2010 còn nguyên giá trị. “Gánh nặng nợ xấu thời điểm đó đã và đang còn gây áp lực về xử lý cho ngành Ngân hàng nên hiện các ngân hàng không đẩy vốn ồ ạt vào lĩnh vực này, vì rất ngại bong bóng bất động sản. Việc cò đất dùng chiêu trò để nâng giá lên, thổi phồng lên chỉ có ở những dự án vùng ven là đất nền, nhỏ lẻ của cá nhân địa phương. Chứ hầu như các dự án thực sự ngân hàng thẩm định hồ sơ rất kỹ”, ông Minh nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, các ngân hàng cần kiểm soát tốt dòng vốn vào lĩnh vực này, nhất là phân khúc nhà ở cao cấp. Bởi phân khúc này có khi không xuất phát từ nhu cầu thực của người tiêu dùng, mà phần nhiều là từ mục đích mua đi bán lại kiếm lời của nhà đầu tư thứ cấp. Qua đó, hạn chế hàng tồn kho và nợ xấu trong tương lai.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Giao thông