Gói 30 nghìn tỷ tiếp sức cho loạt các dự án nhà xã hội bung hàng. Liệu có hợp lý khi hàng tồn kho vẫn tiếp tục tăng, trong khi đó cả trăm dự án nhà xã hội liên tục khởi công..
Hàng tồn tăng cao trong khi nhà thu nhập thấp bung hàng hàng loạt có thể khiến bất động sản tiếp tục đóng băng?
Ảnh: Một dự án nhà giá rẻ tại đường vành đai 3 Hà Nội
|
Hàng tồn có thể còn tăng cao hơn
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng thì Tổng giá trị tồn kho tại các dự án phát triển nhà ở của 55 tỉnh thành, tính đến tháng 3/2013 khoảng 125.450 tỷ đồng. So sánh những số liệu trên với con số cuối năm 2012, bộ Xây dựng cho rằng lượng tồn kho về nhà ở, đất ở tăng lên so với cuối năm 2012. Có sự biến động số liệu thống kê này là do tại thời điểm tháng 12/2012 các địa phương chưa thống kê đầy đủ số lượng tồn kho, đến tháng 3/2013 các địa phương đã báo cáo bổ sung thêm.
Tuy so với cuối năm 2012, số liệu trên đã được bổ sung thêm, song Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng: “Số liệu tồn kho trên đây cũng chưa phản ánh đầy đủ được tình hình thực tế, hiện còn khối lượng lớn các căn hộ chung cư đang xây dựng dở dang cũng như nhiều dự án có sản phẩm tồn kho nhưng chưa báo cáo”
Tuy số lượng hàng tồn tăng và trên thực tế còn cao hơn báo cáo, nhưng hàng loạt các dự án nhà ở vẫn liên tục khởi công. Gói 30 nghìn tỷ được ví như làn gió mới kích cầu thị trường, khiến cho hàng loạt các chủ đầu tư hăng hái làm hoặc xin chuyển đổi dự án sang nhà xã hội.
Theo thống kê trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Ngoài các dự án nhà xã hội thì cả nước có 47 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội, trong đó Hà Nội có 21 dự án, Tp.HCM có 23 dự án, Đồng Nai có 2 và Bà Rịa - Vũng Tàu có 1 dự án.
Tháo gỡ không khéo lại ế hàng?
Trong bối cảnh hàng tồn tiếp tục tăng cao, việc tạm dừng các dự án nhà ở tại các địa phương đạt kết quả rất thấp khi chỉ 3,7% dự án tạm dừng. Con số này bộ Xây dựng khẳng định là không đạt yêu cầu thì hàng loạt các dự án nhà ở xã hội và cả nhà ở thương mại liên tục bung hàng đều nhằm vào gói 30 nghìn tỷ.
Trước làn sóng tấp nập làm nhà xã hội, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì chỉ ra một thực tế là hiện nay có nhiều dự án nhà ở thương mại giá còn rẻ hơn nhà thu nhập thấp, nhà ở thương mại có nơi bá 10 triệu đồng/m2, nhà thu nhập thấp là 12 – 13 triệu đồng/m2, trong khi vị trí lại thuận tiện hơn, các thủ tục đơn giản.
“Nguồn cung nhà ở xã hội hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhưng thời gian tới đây, sự phát triển của hàng loạt các dự án nhà ở xã hội sẽ dẫn đến sự tăng mạnh về nguồn cung. Vì vậy, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến sự phát triển ồ ạt và dư thừa so với nguồn cầu”, GS Võ nói.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, nếu nhà ở xã hội được xây tại Linh Đàm thì có thể bán hết ngay, nhưng nếu xây tại An Khánh hay xa hơn như Mê Linh, Sóc Sơn thì cần phải nghiên cứu thật kỹ. Bởi không phải cứ giá rẻ là có người mua ngay.
"Bài học về những căn hộ giá rẻ tại Đặng Xá, Kiến Hưng bán mãi không hết rất đáng để suy nghĩ". Theo ông Liêm, tình trạng những khu đô thị “ma” hay những tòa nhà chung cư không được lấp đầy là một minh chứng cho sự phát triển thiếu quy hoạch và kế hoạch.
Tuy nhiên, trước những lo ngại cho rằng nhà xã hội có thể có thể ế và khiến bất động sản đóng băng, Thứ trưởng bộ Xây dựng phụ trách bất động sản vẫn lạc quan khi cho rằng: “Nhược điểm của thị trường bất động sản hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu. Chúng ta thừa căn hộ cao cấp. Hiện nay, Hà Nội đang cần khoảng 100.000 căn hộ thu nhập thấp, chúng ta mới triển khai xây dựng được khoảng 10.000 căn, nên hiện đang còn thiếu những căn hộ phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân”.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí