Lo ngại bong bóng nhà ở thương mại

Cập nhật 26/07/2016 14:06

 Thị trường BĐS đang tăng trưởng tốt khi lượng giao dịch tại Hà Nội và TPHCM tăng, lượng hàng tồn kho giảm, dự nợ cho vay BĐS đang tăng. Nhưng Bộ Xây dựng cũng cảnh báo có khả năng dẫn đến nguy cơ rủi ro, xuất hiện bong bóng tại phân khúc nhà ở thương mại (NoTM) trong thời gian tới.

Rủi ro tiềm ẩn


Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang có sự phục hồi tốt trong nửa đầu năm 2016: tại Hà Nội khoảng 7.800 giao dịch thành công; tại TPHCM khoảng 7.500 giao dịch thành công. Tính đến 20-6, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 37.489 tỷ đồng, giảm 13.400 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015, tương ứng 26,33% tổng giá trị tồn kho. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS hiện chỉ chiếm 8% trong tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, nhưng trong từng phân khúc có sự phân bổ bất hợp lý về vốn, khi NoTM đang hút một lượng vốn lớn trong tổng dư nợ. Số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cũng cho thấy thị trường đã xuất hiện dấu hiệu lệch pha sang phân khúc trung, cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ bình dân quy mô vừa và nhỏ có 1-2 phòng ngủ. Trong số 34 dự án được Sở Xây dựng TPHCM xác nhận đủ điều kiện huy động vốn trong 6 tháng đầu năm cung cấp cho thị trường 14.901 căn hộ, lượng căn hộ trung, cao cấp đã tăng đến 16% trong khi căn hộ bình dân lại giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó đã có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại ở phân khúc trung, cao cấp. Cùng với khu trung tâm TPHCM và khu Nam gồm các quận 7, phía Bắc huyện Nhà Bè, phía Đông Bắc huyện Bình Chánh, thị trường BĐS cao cấp đang phát triển nóng ở khu vực phía Đông TP, từ quận Bình Thạnh qua quận 1, quận 4 sang quận 2, một phần quận 9 và quận Thủ Đức. HoREA nhận định những nhân tố trên đã tác động tiêu cực đến thị trường trong 5 tháng đầu năm 2016.

Một khu nhà ở cho công nhân đang được xây dựng.

Hướng dòng tiền vào NoXH

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà, đến năm 2020 cả nước cần xây dựng 10 triệu m2 NoXH (NoXH), nhưng đến nay mới xây dựng được khoảng 3 triệu m2. Vì vậy nhu cầu phát triển NoXH là rất lớn. Đối với phân khúc nhà cho thuê, chính sách ưu đãi hiện nay cao hơn nhà để bán, nên đã xuất hiện một số doanh nghiệp sau khi đầu tư nhà ở cho thuê lại xin phần nhà cho thuê chuyển thành nhà để bán. Điều này đang đi ngược lại xu hướng quốc tế. Vì vậy các địa phương cần quản lý chặt các dự án NoXH không cho bán nốt quỹ nhà cho thuê, nhấn mạnh. Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch -  Đầu tư, Bộ Tài chính chủ động cân đối ngân sách trung hạn cho phát triển NoXH, bởi đây được coi là trụ cột trong chính sách an sinh xã hội thời gian tới.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp phát triển NoXH thời gian qua đang gặp khó khăn bởi sự gián đoạn chính sách. Việc kết thúc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi đang triển khai các dự án NoXH. Trong 6 tháng chỉ có 1 dự án nhà lưu trú công nhân của Công ty Worldon xây dựng đưa vào sử dụng tại khu công nghiệp Đông Nam huyện Củ Chi, giải quyết được 4.600 chỗ ở cho công nhân. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách NoXH theo Luật Nhà ở 2014 đang bị ách tắc do còn có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Trong đó vướng mắc lớn nhất là việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách NoXH. Vì vậy HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi NoXH bằng mức 4,8%/năm theo của Quyết định 1013/QĐ-TTg áp dụng trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia chương trình NoXH, cũng như tại các ngân hàng có dư nợ cho vay NoXH theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để thực hiện thống nhất.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư