Theo tờ trình của UBND TP.HCM thì hệ số K ở khu vực ngoại thành được đề xuất tăng cao hơn, cao nhất là khu vực 5, hệ số K đề xuất điều chỉnh tăng đến 30,7%.
Người dân làm thủ tục cấp “sổ đỏ” tại Q.Thủ Đức, TP.HCM - ẢNH: ĐÌNH SƠN
Ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản VN (VNGREAL), cho rằng với phương án mới này các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức mua bán nhà đất, khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà hoặc quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước sẽ có 2 khoản phải nộp là lệ phí trước bạ (0,5%) và thuế thu nhập cá nhân (2%) trên giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng.
Nếu giá trị chuyển nhượng cao hơn khung giá đất quy định hiện hành thì giữ nguyên, không nhân với hệ số K. Trong trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn sẽ lấy giá đất theo khung quy định nhân với hệ số K. Do vậy, hệ số K càng cao, người dân, hộ gia đình, tổ chức sẽ nộp thuế, phí càng cao.
Nếu đề xuất này được thông qua sẽ xảy ra nghịch lý, các quận, huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ hệ số K sẽ rất cao trong khi những huyện này đa số là dân thu nhập thấp.
Vì vậy, nếu tăng hệ số K, UBND TP cần tính toán lại tăng ở khu vực trung tâm. Ở nội thành, hệ số K tăng 30% trở lại vẫn chấp nhận được, còn ở khu vực ngoại thành thì chỉ nên tăng 5 - 10% đã tác động rất lớn đến kinh tế của người dân.
Không những vậy, việc tăng nghĩa vụ tài chính nhiều ở khu vực trung tâm, tăng ít ở ngoại thành là cách để khuyến khích giãn dân ra ngoại thành. “Nhờ đó, tình trạng kẹt xe trong nội thành sẽ giảm. Một mục tiêu trúng hai đích, vừa tăng thu ngân sách, vừa giãn dân”, ông Trinh phân tích.
Nhiều ý kiến lại cho rằng giá nhà đất đang quá cao, TP từng cảnh báo tình trạng sốt đất ảo và có nguy cơ bong bóng trong bất động sản, thì việc điều chỉnh hệ số K tăng quá cao sẽ gián tiếp làm tăng giá bán nhà đất trong thời gian tới.
Bởi rất nhiều người sẽ phải tăng giá bán nhà đất để bù lại chi phí làm thủ tục chuyển nhượng, thuế, phí tăng lên theo hệ số K. Điều này theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, chi phí này thực chất sẽ được tính vào giá trị căn hộ, căn nhà sẽ bán cho người mua. Trong khi hiện nay giá nhà đất đã quá cao và vượt xa so với thu nhập của đại đa số người dân.
Ở góc độ kinh doanh, lãnh đạo một công ty bất động sản lo lắng nếu tăng hệ số K chắc chắn giá nhà đất sẽ tăng, từ đó đẩy mặt bằng giá nhà đất hiện nay lên một mức mới. “Khi giá nhà đất tăng sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ bong bóng và khi đó thị trường bất động sản sẽ đóng băng.
Doanh nghiệp không triển khai được dự án, người dân không đủ khả năng mua nhà đất sẽ khiến TP không thể thu được tiền sử dụng đất, thuế trước bạ, các loại phí, thuế khác... Như vậy việc tăng hệ số K không thể đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách mà trái lại còn tiềm ẩn rủi ro”, vị này phân tích.
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên