“Lô cốt” thi công ì ạch: Bệnh hết thuốc chữa?

Cập nhật 16/03/2009 09:40

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Phượng đã từng khẳng định sẽ đưa ra hàng loạt biện pháp chấn chỉnh việc rào “lô cốt” đào đường để giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho người dân sinh sống nơi có công trình thi công. Tuy nhiên, ngày 15-3, theo ghi nhận của phóng viên, việc dựng “lô cốt” đào đường ở nhiều công trình vẫn hết sức cẩu thả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Rào kín, hết đi?

Ngày 14-3, hàng rào “lô cốt” trên đường Võ Thị Sáu-Hai Bà Trưng (quận 3) bị gió thổi ngã, đè anh Trương Văn Hậu, 40 tuổi, làm anh gãy nát xương đùi trái sát khớp háng. Ngày 15-3, quay trở lại nơi này và nhiều tuyến đường khác, chúng tôi thấy nhiều công trình rào chắn rất cẩu thả, không theo một quy chuẩn nào.

Đường Trần Bình Trọng là một trong những con đường thi công chậm chạp nhất, gây nhiều phiền hà cho người dân sinh sống dọc hai bên. Bác Nguyễn Trung Kiên ngụ 178A Trần Bình Trọng, phường 3, quận 5 bức xúc: “Theo tôi, làm chậm là do công nhân mình thiếu trách nhiệm. Khi người quản lý (người Nhật) có mặt ở công trình thì công nhân làm ào ào, khi họ đi rồi công nhân vừa làm vừa chơi, thậm chí có công nhân nằm ngủ”.

Bác Kiên cho biết thêm, công trình này khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay mới làm được vài trăm mét cống, không biết khi nào mới xong.

“Đã vậy, lúc trước người ta dựng hàng rào còn chừa khoảng trống hai bên đường cho người dân đi, nay họ dựng bít luôn cả con đường, ai muốn đi phải luồn lách lên vỉa hè. Người dân ở phường này kiến nghị đơn vị thi công làm đoạn nào hoàn chỉnh đoạn nấy và chừa phần đường cho bà con lưu thông không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng đâu cũng vào đấy”- bác Kiên nói.

Tương tự, người dân các tuyến đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), Thuận Kiều (quận 11)… cũng than trời vì đơn vị thi công rào “lô cốt” kín bít mặt đường, không còn chỗ cho xe chở hàng ra vào nhà (khu vực này nhiều doanh nghiệp giao nhận hàng bằng xe ô tô).

Bà Tám, chủ tiệm bánh xèo trên đường Nguyễn Tri Phương, ngao ngán cho biết, đường này trước đây người ta gọi là “đường ăn uống”, bây giờ thành “đường lô cốt” nên không buôn bán gì được. “Họ rào bít nguyên cả con đường, đi còn chưa được, ai mà dám vô ăn. Chúng tôi chỉ còn biết ngồi coi họ đào đóng ầm ầm cả ngày lẫn đêm mà thôi”, một người khác bức xúc nói.

Những hộ dân có nhà thì còn đỡ vì không phải tốn tiền thuê mặt bằng, còn những hộ phải thuê mặt bằng thì phải lần lượt trả lại mặt bằng vì không bán buôn được gì.

Theo ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, lâu nay ngành thuế vẫn thực hiện thu thuế theo doanh thu. Vì thế, nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng doanh thu do đào đường thì thuế cũng giảm theo. Riêng các hộ kinh doanh cá thể nếu “lô cốt” làm doanh thu giảm sút thì phải báo cho cơ quan thuế biết, để được điều chỉnh mức thuế cho phù hợp.

Hứa và hứa...

Đến thời điểm này, TP có 194 vị trí rào chắn ở 72 tuyến đường để phục vụ thi công 12 dự án và công trình. Để giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc rào chắn đường đến đời sống người dân, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT đã nói đi nói lại trong cuộc họp với cơ quan báo chí về kế hoạch thi công đào đường trong năm 2009 là Sở GTVT sẽ triển khai đồng bộ 4 giải pháp.

Theo đó, sở hạn chế tối đa tình trạng công trình đã triển khai rào chắn nhưng không thi công do chờ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra xử phạt nghiêm khắc các vi phạm về tiến độ thi công, rào chắn, đào và tái lập mặt đường, đặc biệt xử lý kiên quyết đối với các hành vi như: không tái lập mặt đường trong vòng 24 giờ sau khi tháo dỡ hàng rào công trình, không bố trí người điều tiết giao thông công trình, làm rào chắn không đúng kích thước, lập rào chắn quá thời hạn cấp phép, thi công bơm nước ra đường, không đóng cừ lasen (để hạn chế hư hỏng phần đường bên ngoài công trình) theo đúng phương án thi công, không khắc phục các hư hỏng mặt đường xung quanh công trình.

Nếu đơn vị thi công bị xử lý hoặc nhắc nhở quá 3 lần mà không thực hiện, Thanh tra sẽ đình chỉ thi công toàn bộ gói thầu của đơn vị thi công. Ngoài các giải pháp trên, nét mới sẽ được thực hiện trong năm nay là quy định trách nhiệm cụ thể của cá nhân, đơn vị trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử phạt trong thi công.

Ông cũng hứa sẽ chấn chỉnh tình trạng mất vệ sinh, thi công không đảm bảo tiến độ, không an toàn, không để xảy ra tai nạn và những cái chết thương tâm như năm 2008.

Nhìn chung, người dân vẫn phải ngày ngày chịu sự “im lặng đáng sợ” của các “lô cốt” không người thi công; việc dựng “lô cốt” cẩu thả, bít kín cả con đường đã không chỉ gây ra những thiệt hại về kinh tế mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường, tai nạn xảy ra vào ngày 14-3 là một ví dụ.

Điều người dân quan tâm là vì sao có lúc cơ quan chức năng kiểm soát được, có lúc lại không. Đó là chưa kể quy chuẩn về rào chắn “lô cốt” dường như vẫn chưa cụ thể. Vì thế, “lô cốt” vẫn muôn hình vạn trạng trên mặt đường…

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng