Một góc Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Linh Tâm |
Được đưa vào sử dụng từ năm 2003, song đến nay nhiều tòa nhà chung cư (NCC) phục vụ tái định cư (TĐC) giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính đã xuống cấp, hư hỏng.
Thêm vào đó là tình trạng quản lý lỏng lẻo, nhiều hộ dân tự ý cơi nới làm thêm "chuồng cọp", đun nấu, để vật dụng bừa bãi trên hành lang chung. Trong khi chỉ cách một con đường, khu NCC do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư (được bán theo giá kinh doanh) là hình ảnh trái ngược, khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Nhiều đầu mối quản lý
Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, bên trong các tòa nhà TĐC có hiện tượng xuống cấp, tường, trần bong tróc, ngấm dột, nền bị lún, nứt, nhất là khu vực để xe. Các thiết bị trong tòa nhà như thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy... đã có dấu hiệu hư hỏng.
Đặc biệt, các bình bọt cứu hỏa cũng hết hạn sử dụng. Hệ thống điện chiếu sáng tại các khu vực hành lang cũng có vấn đề. Hệ thống cấp, thoát nước có hiện tượng rò rỉ gây ngấm dột. Ngoài ra, ý thức quản lý và sử dụng các phần diện tích chung của nhiều hộ dân TĐC chưa cao. Một số hộ tự ý chiếm dụng diện tích sân, hiên, hè làm nơi bán hàng, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường KĐT.
Còn theo phản ánh của người dân, các tòa nhà xuống cấp nhanh một phần do không được bảo trì, sửa chữa đúng hạn. Nhiều hỏng hóc như cống tắc, nhà vệ sinh ngập nước, sàn nhà bong; rác thải không được thu gom, chỗ để xe thiếu, người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được khắc phục kịp thời, càng gây bức xúc.
Cùng với đó, không ít hộ dân thiếu ý thức đã biến hành lang chung thành nơi để xe, đun nấu; tự ý cải tạo căn hộ mà cũng không thấy lực lượng quản lý nhắc nhở. Có người cho rằng, dường như lực lượng quản lý tòa nhà chỉ làm mỗi việc trông giữ xe!?.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, thời gian qua, công tác quản lý khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính yếu kém là do khu TĐC chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đã đưa dân vào ở, đáp ứng nhu cầu GPMB cấp bách của một số dự án trên địa bàn.
Tiếp đến là có quá nhiều đầu mối quản lý, từ ngành điện, ngành giao thông vận tải, cấp, thoát nước đến môi trường đô thị, công viên cây xanh... dẫn đến chồng chéo, ngành này nhìn ngành kia. Chẳng hạn như kinh phí bảo trì được tính bằng 2% kinh phí bán nhà, được thu 1 lần khi bán hoặc thu dần hằng tháng.
Tuy nhiên, với nhà TĐC lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó có khoảng 25% số hộ không nộp hoặc không nộp đủ chi phí quản lý, vận hành hằng tháng (mỗi tháng 30.000 đồng/hộ). Ngoài ra, có khoảng 5-10% số hộ cho thuê nhà ở làm văn phòng, gây ồn ào cho các hộ dân xung quanh, gây khó khăn cho việc bảo vệ an ninh trật tự. Vì thế, công tác quản lý có nhiều vấn đề tồn tại như người dân phản ánh.
Lập đề án thí điểm mô hình quản lý
Để khắc phục những bất hợp lý kể trên, Sở Xây dựng Hà Nội đang lập đề án thí điểm tổ chức quản lý, vận hành khai thác nhà TĐC tại KĐT Trung Hòa - Nhân Chính. Theo đó, sẽ thu về một đầu mối quản lý để khắc phục những yếu kém và việc vận hành tốt hơn. Khu Trung Hòa - Nhân Chính sẽ được chia làm 4 khu vực để thuận lợi cho việc quản lý (mỗi khu sẽ gồm 3-6 tòa nhà).
Việc tổ chức bộ máy quản lý sẽ chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội theo hướng tạo điều kiện giải quyết việc làm cho con em các hộ dân TĐC, góp phần ổn định đời sống các hộ dân, đồng thời tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia quản lý sử dụng NCC. Đề án thí điểm cũng đưa ra 2 mức thu phí dịch vụ. Các tòa nhà có thang máy thu 30.000 đồng/hộ/tháng; tòa nhà không có thang máy 20.000 đồng/hộ/tháng. Phí trông giữ xe đạp 25.000 đồng/xe/tháng, xe máy 45.000 đồng/xe/tháng...
Về mô hình ban quản trị, theo đề xuất gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng, đơn vị quản lý vận hành NCC và đại diện chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị xem xét đặc thù của loại NCC TĐC.
Chẳng hạn, đây là công trình xây bằng vốn ngân sách, phần diện tích tầng 1, tầng hầm... cần được quản lý như tài sản của Nhà nước. Mặt khác, không ít hộ mua nhà theo hình thức trả dần, vì thế trong thời gian người mua chưa trả hết tiền thì diện tích này vẫn thuộc sở hữu nhà nước... Vì vậy, nên giao cho 1 đơn vị nhà nước đảm nhận quản lý, vận hành. Đại diện các hộ dân cũng viện dẫn quy định của Bộ Xây dựng để đề nghị giao cho ban quản trị tìm và ký hợp đồng với đơn vị quản lý NCC.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới