Đó là nhận định trong báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA). Theo hiệp hội này, phân khúc BĐS cao cấp đang tăng mạnh trong khi thiếu sản phẩm căn hộ bình dân quy mô vừa và nhỏ, giá vừa túi tiền.
Nhu cầu ở phân khúc nhà giá rẻ cao nhưng ít sản phẩm
|
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở trong năm 2016 được dự báo sẽ vào khoảng 60.000 - 80.000 căn từ nhiều dự án mới, trong đó phân khúc cao cấp chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung. Do nguồn cung nhiều, cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt, thanh khoản sẽ chậm lại. Một số lãnh đạo các công ty BĐS cũng thừa nhận, từ đầu năm đến nay giao dịch đang giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2015.
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, cho rằng hiện thị trường BĐS đang phát triển lệch pha khi các doanh nghiệp đều tập trung phát triển phân khúc BĐS căn hộ cao cấp mà bỏ quên phân khúc nhà giá rẻ. “Nhu cầu của đại đa số người dân là ở phân khúc nhà giá rẻ nhưng dự án cao cấp tại TP liên tục bung hàng, còn căn hộ giá rẻ thì chỉ nhỏ giọt. Sự lệch pha này làm cho thị trường phát triển không bền vững và nguy hiểm hơn là nhu cầu nhà ở của người dân không được đáp ứng. Điều này dễ dẫn đến sự sụt giảm về giao dịch, trầm lắng của thị trường”, ông Châu phân tích.
Lãnh đạo một công ty BĐS nói rằng công ty ông và các công ty BĐS đều biết được tính thanh khoản của phân khúc nhà giá rẻ rất tốt, nhu cầu rất lớn. Hiện người thu nhập thấp tại TP vẫn trong tình trạng “khát” căn hộ giá rẻ, khi mà hầu hết các dự án hiện còn ở mức “xa tầm tay”, đó là chưa kể giá bán ngày càng tăng. Tuy nhiên, sở dĩ các doanh nghiệp đổ dồn vào phân khúc cao cấp vì lợi nhuận cao hơn. “Cùng một quỹ đất nếu làm một dự án nhà giá rẻ mặc dù bán nhanh, thu hồi vốn nhanh nhưng lợi nhuận cực thấp. Cụ thể, 1 m2 sàn xây dựng nếu thấp nhất cũng phải 6 - 7 triệu đồng/m2, cộng thêm tiền sử dụng đất, chi phí vốn, quản lý dự án, marketing... cũng phải đội giá lên khoảng 10 - 12 triệu đồng/m2. Nếu bán nhà giá rẻ khoảng 15 triệu đồng/m2 thì mới có lời khoảng 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên một dự án thường kéo dài 3 - 5 năm, chưa kể thời gian vận hành tòa chung cư sau này thì mức giá trên gần như hòa vốn, thậm chí là lỗ. Do đó, các doanh nghiệp thường đầu tư căn hộ cao cấp để bán giá cao hơn, từ đó mới mong có lợi nhuận thật sự”, vị này chia sẻ.
Một nguyên nhân nữa khiến nhà giá rẻ khan hiếm bởi từ sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, các doanh nghiệp đã không còn tham gia làm nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ nữa. Điều này làm cho phân khúc nhà giá rẻ đã ít càng ít hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên