Tìm quyết sách mới về nông thôn, nông dân, nông nghiệp
Phần 2: Lấy đất, trả cục tiền là xong!
Được nhận vài trăm triệu đồng tiền đền bù nhưng đa phần nông dân chỉ biết dùng để sửa nhà, sắm xe rồi quay sang cờ bạc, ma túy, mại dâm...
Mục tiêu giảm dần tỷ lệ dân số làm nông nghiệp, tăng cường khu vực công nghiệp và dịch vụ trong tổng khối lượng nền kinh tế vẫn đang là những bước đi thích hợp cho một nước đang phát triển như VN. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì cũng có những bất ổn trong đời sống của hàng triệu nông dân bị thu hẹp đất sản xuất. Những chính sách đi kèm với thu hồi đất như bồi thường, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp... cho nông dân dường như vẫn chưa phát huy hiệu quả cao nhất trên thực tế.
Có tiền nhưng thất nghiệp
Nằm ven Quốc lộ 5, đoạn qua xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), những cánh đồng lúa, hoa màu tươi tốt giờ chỉ còn lác đác vài thửa ruộng nằm xen kẽ các KCN. Người dân ở đây ban đầu được bồi thường 19 triệu đồng/sào (360m2), rồi nâng lên 24 triệu đồng/sào. Những hộ đã giao đất nhận tiền, đến nay số tiền còn giữ được chẳng đáng là bao và nhiều hộ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Nhiều người còn lo tình trạng giá cả tiêu dùng tăng cao, cầm đồng tiền bồi thường vài chục triệu đồng chẳng mấy mà tiêu hết, rồi lại đói.
Nông dân xã Tri Phương, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cũng được cầm từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng tiền đền bù nhưng chẳng mấy ai biết dùng tiền đó để làm ăn sinh lời. Nhiều gia đình sửa sang lại nhà cửa, xây nhà cho con cái, mua sắm đồ sinh hoạt trong gia đình và để ăn tiêu. Đến nay, nhiều hộ đã hết tiền, hết đất để làm ruộng, chưa biết làm gì. Một số con em trong độ tuổi được nhận vào làm trong các nhà máy mới thì lương ba cọc ba đồng không đủ sống.
Xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) bị thu hồi tới một nửa diện tích canh tác hoa màu cho KCN. Một thời, đây là vùng đất vàng bởi nông dân nơi đây vốn chuyên trồng hoa, hành tây, mướp đắng... cung cấp cho Hà Nội, thu nhập lên tới 15-20 triệu đồng/sào/năm. Nay thì nhiều người dân đã ngoài độ tuổi tuyển lao động của các KCN nên đành chịu cảnh thất nghiệp. Ngay cả thanh niên trong độ tuổi lao động cũng không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để được vào làm tại các nhà máy. Nhiều người phải đi làm ăn xa.
Nông dân Dương Văn Non (ấp 5, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An) nói từ bé đến lớn chỉ biết làm nông nên phải dùng tiền đền bù đi mua ruộng khác. “Bị thu hồi 1,2 ha chỉ nhận chưa tới 400 triệu đồng tiền đền bù, giờ chỉ có thể mua được khoảng hai công đất từ một cánh đồng khác” - anh Non ngậm ngùi.
Bỏ ngỏ việc chuyển đổi nghề nghiệp
Kết quả nghiên cứu của GS-TSKH Lê Du Phong cho thấy 19% nông dân ở Cần Thơ sau khi bị thu hồi đất không có việc làm, trên 28% hộ nông dân khác không đủ việc làm.
Bị thu hồi đất, nhiều nông dân phải “bán xới” đi nơi khác làm thuê; cuộc sống rất bấp bênh. Chị Nguyễn Thị Kim Hồng (xã Long Hậu, Cần Giuộc, Long An) kể nhà có hai công đất, nếu không bị thu hồi thì chịu khó làm cũng có gạo ăn quanh năm. Với hai công đất bị thu hồi, chị được đền bù 60 triệu đồng chỉ đủ mua lại một nền tái định cư, cũng không còn tiền cất nổi cái nhà. “Hổm nay, cả nhà tui phải sang huyện khác làm thuê kiếm tiền mua gạo” - chị Hồng nói.
Một đại biểu HĐND tỉnh Long An bức xúc nhận xét hiện nay nhà đầu tư chỉ thảy cho nông dân một cục tiền chẳng nhiều nhặn gì rồi phủi sạch trách nhiệm, không có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất. Nhà đầu tư thì muốn nhẹ nợ, chính quyền cũng không quan tâm đúng mức, thành ra nhiều nơi đã khuyến khích người dân nhận tiền để tự đào tạo và không đạt hiệu quả.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng việc thu hồi đất của nông dân không phải cứ đưa tiền là xong. Vấn đề là phải hướng dẫn cho họ cách sinh sống, cách chi tiêu hiệu quả hoặc dùng chính sách khác để đồng tiền đền bù đó đảm bảo cuộc sống lâu dài của họ.
Ông Doanh lấy ví dụ: Khu Mỹ Đình (Hà Nội), đất đai bị thu hồi làm sân vận động, làm trung tâm hội nghị và nhà nước có đền tiền cho nông dân. Nhưng tác dụng của việc đưa cho dân cả một cục tiền là gì? Đó là tình trạng cờ bạc, ma túy, mại dâm, tội phạm vì những người nông dân chân lấm tay bùn ấy chưa từng có kinh nghiệm sử dụng một khoản tiền lớn đến thế trong đời.
Nạn nhân của công nghiệp hóa
Theo TS Lê Đăng Doanh, nông dân chính là nạn nhân của đô thị hóa và công nghiệp hóa. Thực tế, do không được đào tạo, người nông dân rơi vào tình trạng không có việc làm. Khi đó, vì mưu sinh mà rất nhiều người phải dạt về các vùng đô thị để kiếm sống. Thế nhưng đến nay, vấn đề di dân vẫn chưa được xem xét nghiêm túc và đúng tầm, vẫn chưa có một chính sách di dân hợp pháp cho hàng triệu nông dân. Đơn cử, Thái Bình là một vựa lúa của miền Bắc nhưng lượng nông dân di cư ra vùng đô thị lên tới 40%. Đây là một ví dụ đáng báo động ở nhiều mặt của nhà nông và nghề nông.
Do không được đào tạo, phần lớn nông dân khi ra đô thị chủ yếu bán sức lao động, phải chấp nhận làm đủ mọi thứ nghề. Thu nhập và mức sống của họ rất thấp, tiềm ẩn nhiều bức xúc và bất mãn. Chưa hết, họ còn phải chấp nhận một thực trạng bị “làm khó” mọi lúc mọi nơi trong công việc, khám chữa bệnh, nhà cửa, xin học cho con cái, giao dịch... “Sự phân biệt đối xử trong nhiều chính sách của các đô thị đương nhiên sẽ tạo nên những bức xúc, bất mãn trong cộng đồng dân nhập cư, sẽ tiềm ẩn sự bất ổn của xã hội đô thị” - TS Lê Đăng Doanh lo ngại.