Lấy đất lúa làm mỏ đá!

Cập nhật 12/06/2010 08:10


Những lỗ khoan thăm dò đá bên những thửa ruộng “bờ xôi ruộng mật”.
Tuân thủ quyết định của Thủ tướng, Đồng Nai không lấy đất lúa 2 vụ làm sân golf, nhưng lại quy hoạch làm... mỏ đá, trong khi khai thác đá còn nguy hại cho môi trường hơn cả sân golf.

Mới đây, một "đại gia" ở tỉnh này được phép khoan thăm dò với toan tính đào "bờ xôi ruộng mật" lên lấy đá, khiến cả một làng quê xôn xao...

Ông Huỳnh Văn Phồi (ấp 1, xã Bình Lợi) cho biết: “Tổng Cty IDICO (Tổng Cty Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Idico- PV) đã cho khoan thăm dò trên đất lúa, đất màu của tôi tới 4 lỗ khoan như thế này để chuẩn bị thu hồi đất đai của chúng tôi làm mỏ đá!”. Có rất nhiều lỗ khoan như thế trên ruộng vườn của nhiều hộ dân cả ấp 1 lẫn ấp 2 xã Bình Lợi như hộ bà Đoàn Thị Hiếu, hộ ông Phạm Văn Ca, ông Đạo...

Tìm hiểu của PV, khoảng 70ha ruộng “bờ xôi ruộng mật” ở xã Bình Lợi bị lọt vào quy hoạch khoáng sản (đá) của tỉnh Đồng Nai. Nên được chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai (công văn số 8136 ngày 8.10.2009), Idico đã lập hồ sơ và được UBND tỉnh này cho phép khoan thăm dò đá theo Quyết định 3875 ngày 18.12.2009.

Theo quy định pháp luật về khoáng sản, chỉ sau khi thăm dò và được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt trữ lượng, lập dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cấp phép thì Idico mới tiến hành công đoạn bồi thường xong mới khai thác đá.

Nhưng thực tế, chỉ mới trong giai đoạn khoan thăm dò, Idico đã cho dựng bảng hiệu: “Tổ đền bù mỏ đá Bình Lợi” và cho người đi thương thảo chuyện nhượng lại đất của dân trong vùng quy hoạch mỏ đá, với giá đền bù dự kiến 110 triệu đồng/1.000m2. Sau này bị dân tố quá, Idico cho dỡ ngay bảng hiệu.

Theo cơ quan chức năng, xã Bình Lợi có trữ lượng đá khá lớn, nhưng không lộ thiên mà nằm sâu hàng chục mét dưới lòng đất, nên Sở TNMT Đồng Nai cho phép Idico khoan sâu âm khoảng 60m. Diện tích khai thác mỏ của Idico chỉ 70ha chia 2 khu vực 30ha và 40ha, chứ không phải bốc tất cả ruộng đồng của dân.

Có nghĩa là khi được phép khai thác, Idico sẽ bóc sạch lớp đất màu, moi sâu hàng chục mét đất, cát... thì mới lấy được đá mà chế biến bán. Hệ lụy tất yếu, không chỉ tầng đất màu mỡ bị xoá sổ, mà các mỏ đá sẽ thành những hầm hố sâu hoắm, hút hết nước, chất màu nơi khác vào.

Sau này, khi lấy hết đá, nếu tuân thủ pháp luật, Idico sẽ phải san lấp trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng điều này liệu ai dám chắc? Bởi thực tế ở xã Đông Hoà (Bình Dương), sau khi khai thác đá xong, nhiều “đại gia” đã rút đi để lại những hồ “tử thần”, khiến hàng chục sinh viên làng ĐH TPHCM phải bỏ mạng (Lao Động đã phản ánh) mà chẳng thấy ai bị xử lý trách nhiệm.

Ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai - mới đây cũng có 2 cháu bé 13 tuổi chết khi tắm ở cái hồ hình thành từ khai thác khoáng sản, nhưng không thèm trả lại hiện trạng của một DN “đại gia” tỉnh này.

Nhiều người dân Bình Lợi không tin cơ quan chức năng Đồng Nai sẽ kiểm soát được DN đảm bảo môi trường trong lành cho họ. Bởi DN khai thác khoáng sản nào ở Đồng Nai cũng phải được duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Duyệt, báo cáo là một đằng, còn thực tế thì một nẻo. Bằng chứng, hãy đi qua khu mỏ đá hơn 100ha ở xã Hoá An, sẽ thấy màu trắng bụi đá chết chóc, ô nhiễm đến mức nhiều DN đã bị phạt hành chính.

Xã Bình Lợi nổi tiếng Đồng Nai bởi có đất màu mỡ, người dân trong xã trồng lúa được 2 vụ, năng suất vụ đông xuân lên tới 5-7 tấn/ha, hè thu và vụ mùa thấp cũng 4,5 tấn/ha. “Vậy mà người ta sắp biến thành mỏ đá, thì còn nguy hại hơn cả sân golf nữa!” - ông Huỳnh Văn Cường (ấp 2, xã Bình Lợi) bức xúc!

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động