Con đường đắt nhất hành tinh - cái tên mà người dân mệnh danh cho đoạn phố Ô chợ Dừa - Kim Liên (Hà Nội) trông thật hài hước bởi sự đan xen của những ngôi nhà cổ kim đông tây nhộn nhạo...
Chỉ riêng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân hai bên con đường dài không quá 1 km này đã lên tới 600 tỷ đồng, gấp 6 lần giá trị xây lắp của cả con đường. Con đường này được kỳ vọng sẽ là một tuyến đường hiện đại với 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, hai bên là những chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại phục vụ tái định cư và tạo nguồn kinh phí Nhà nước.
Nhưng giờ đây, con đường trở thành một món “lẩu thập cẩm”, với kiến trúc đông - tây - kim - cổ đủ cả. Đặc trưng không thể thiếu tại hầu hết các tuyến phố mới ở Hà Nội: những tòa nhà siêu mỏng cũng hiện diện trên con đường này.
Người dân không hiểu vì sao Nhà nước bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để đầu tư, mà cuối cùng lợi nhuận chỉ rơi vào một số hộ may mắn, bỗng chốc ra mặt tiền.
Theo chủ trương ban đầu, Hà Nội sẽ xây dựng các tuyến phố hai bên con đường, mỗi bên đường sẽ được mở rộng thêm 50m, tạo thành quỹ đất khoảng 11ha để xây dựng các chung cư, trung tâm thương mại, như trên đã nói. Nhưng chủ trương này đã không thành hiện thực.
Vì những căn nhà lô nhô cao thấp, đủ kiểu dáng, màu sắc, rộng hẹp thi nhau mọc lên khiến bộ mặt đô thị rơi vào tình trạng như vẫn thường thấy trước nay, lem nhem, nhếch nhác, thiếu bản sắc. Tại nhiều nước trên thế giới, mỗi khi mở đường, bao giờ họ cũng lấy vào hai bên đường từ 50 đến 200m. Đó sẽ là nơi dành cho các chung cư, các khu thương mại, đem lại kinh tế cho Nhà nước.
Điều này là hợp lý và công bằng, bởi Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư, thì đương nhiên phải thu lại lợi nhuận. Như vậy, Nhà nước vừa có thêm kinh phí bù vào chi phí mở đường, đồng thời bộ mặt đô thị lại được khang trang, hiện đại hơn. Và giả sử nếu con đường được tiếp tục mở rộng, thì Nhà nước không phải trả thêm những khoản đền bù giải phóng mặt bằng lớn, theo giá “mặt tiền”, khi nó thuộc sở hữu của người dân.
Lợi ích là quá rõ, vậy nhưng tại sao nhiều tuyến phố (không chỉ ở Hà Nội) mỗi khi mở ra lại không tránh được “vết xe đổ”? Phải chăng các nhà quy hoạch và cơ quan chức năng không tính được những bất cập này? Đến bao giờ Hà Nội và nhiều thành phố khác mới thoát được cảnh lem nhem, nhếch nhác, trở thành những đô thị thực sự hiện đại, văn minh?
Theo Gia Đình Xã Hội