Theo Luật Kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp muốn bán căn hộ, nền đất phải bán thông qua sàn. Tuy nhiên, từ khi luật này có hiệu lực (từ 1-1-2007) vẫn có rất ít doanh nghiệp thực hiện điều này.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến nay trên cả nước chỉ có 20 sàn giao dịch nhà đất được lập theo luật.
Giải thích tại sao không muốn lập sàn giao dịch, chủ đầu tư một dự án nhà ở tại quận 7 (TP.HCM) cho biết do thủ tục lập sàn quá phiền hà và nếu bán hàng qua sàn thì doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí.
Ông này phân tích, hiện nay doanh nghiệp muốn lập sàn giao dịch nhà đất phải ra Bộ Xây dựng xin phép chủ trương. Việc này tốn thời gian và tiền bạc. Theo ông, việc lập sàn mua bán là việc mà Sở Xây dựng, cấp quản lý ở địa phương có thể làm nhưng khó hiểu là tại sao Bộ không giao.
Mặt khác, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cố tình không lập sàn sớm là lợi dụng kẽ hở của cơ quan quản lý. Vì mặc dù luật này có hiệu lực từ 1-1-2007 nhưng cơ quan quản lý lại “mở cửa” bằng cách cho các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký hành nghề kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản được hoàn chỉnh các chứng chỉ hành nghề với thời hạn cuối cùng là 31-12-2008. Từ đây tạo ra cách hiểu là qua ngày 1-1-2009 mới bắt buộc giao dịch nhà đất qua sàn.
Một việc nữa là dù Luật Kinh doanh bất động sản có đi vào thực tiễn nhưng hiện nay, các biện pháp chế tài không có. Trong một lần trao đổi với PV, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng biện pháp chế tài giao dịch nhà đất không qua sàn là dựa vào Luật Đăng ký bất động sản.
Ví dụ như chủ đầu tư nào không bán sản phẩm qua sàn thì đương nhiên sản phẩm đó không được pháp luật bảo hộ (cấp chủ quyền nhà đất - PV). Tuy nhiên, thực tế hiện nay là dự luật này chưa được Quốc hội thông qua.
Luật Kinh doanh bất động sản đã được ban hành mà không có những biện pháp chế tài kèm theo và đang có nhiều cách hiểu khác nhau thì khó có thể phát huy tác dụng trong cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP