Nằm ở vị trí như thế này nên Khu công nghiệp Lộc Sơn (Lâm Đồng) chỉ có lèo tèo vài doanh nghiệp đến đăng ký. Ảnh: Nguyên Tấn. |
Tại nhiều địa phương, hàng loạt khu công nghiệp được ồ ạt lập ra rồi bỏ hoang hoặc hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, mô hình này vẫn tiếp tục phát triển với một tốc độ đáng lo ngại.
Lâm Đồng: khu công nghiệp “bao vây” thị xã
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thị sát Lâm Đồng vào hồi tháng 8 năm nay từng yêu cầu tỉnh này cần dựa vào những lợi thế tuyệt vời về khí hậu, thiên nhiên để tập trung đưa du lịch, dịch vụ trở thành một mũi nhọn phát triển. Thế nhưng, vùng đất nên thơ đó bây giờ cũng lỗ chỗ đầy khu công nghiệp.
Chỉ riêng một thị xã Bảo Lộc thôi đã bị bao vây bởi ít nhất hai khu công nghiệp lớn và một cụm công nghiệp nằm ngay giữa thị xã.
Đầu tiên là khu công nghiệp Lộc Sơn được thành lập từ năm 2003 với tổng diện tích 185 héc ta và tổng vốn đầu tư 460 tỉ đồng. Theo giới thiệu của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, việc lập khu công nghiệp này nhằm thu hút các dự án đầu tư đa ngành như chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản - thực phẩm, dệt may, cơ khí...
Dù tung ra nhiều chính sách ưu đãi để chiêu dụ nhà đầu tư (miễn giảm tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày dự án đi vào hoạt động; khuyến mãi phí hạ tầng trong hai năm 2007-2009...) nhưng qua năm năm hoạt động, khu công nghiệp Lộc Sơn vẫn rất èo uột và hoang vắng. Đi sâu vào bên trong, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì ngoài những trụ điện trơ trọi và vài con đường nhỏ được tráng nhựa sơ sài, chưa hoàn chỉnh.
Do nằm vắt ngang trên các ngọn đồi nên mặt bằng ở đây nơi cao, nơi thấp, nơi thì chênh vênh và phần lớn diện tích hãy còn trống trải, nhường chỗ cho cây cối, cỏ mọc um tùm. Đâu đó, còn sót lại những vạt trà, cà phê xơ xác của các hộ dân canh tác trước đây.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm năm hoạt động Lộc Sơn chỉ thu hút được 29 dự án với vốn đăng ký 1.200 tỉ đồng và 22 triệu đô la; diện tích thuê đất là 70 héc ta, chiếm 57% tổng diện tích của giai đoạn 1.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, một người dân ở đây, cho biết: “Người ta báo cáo trên giấy tờ thế thôi chứ thực tế đất đai thu hồi của dân suốt bấy lâu rồi vẫn nằm chơ vơ ra đấy, có bao nhiêu nhà xưởng được xây dựng đâu. Khi thu hồi, họ kêu dân phải hy sinh vì lợi ích chung nên đất trồng trà, cà phê phải bỏ hết, giờ thấy mà xót quá”.
Ngay cả nếu đúng như các số liệu nêu trên thì theo quy hoạch vẫn còn 115 héc ta đất bị bỏ hoang trong suốt nhiều năm nay.
Trong lúc khu công nghiệp Lộc Sơn hoạt động èo uột như vậy thì cách đó chưa đầy hai cây số ngay giữa trung tâm thị xã là cụm công nghiệp dịch vụ Lộc Phát, một dự án nằm “treo” suốt ba năm nay.
Thoạt đầu, dự án do Công ty cổ phần May Nhà Bè làm chủ đầu tư, sau đó được chuyển giao cho Công ty cổ phần May Phú Thịnh-Nhà Bè, một công ty con của May Nhà Bè và hiện nay UBND thị xã Bảo Lộc đang tiếp tục quảng cáo tìm chủ đầu tư.
Nghe nói, nhiều ý kiến từng phản đối việc lập thêm cụm công nghiệp này vì sự bất hợp lý và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng chính quyền vẫn quyết tâm thu hồi hơn 52 héc ta đất khiến cho trên 100 hộ dân đang canh tác trà, cà phê phải bị giải tỏa trắng.
Đây gần như là khu đất vàng nằm ngay giữa trung tâm thị xã Bảo Lộc, tuy nhiên khi đền bù lại áp giá đất nông nghiệp 70.000 - 90.000 đồng/mét vuông.
Theo quy hoạch, cụm công nghiệp dịch vụ Lộc Phát sẽ tập trung phát triển những ngành công nghiệp “sạch” như may mặc, công nghiệp se sợi tơ tằm, công nghệ thông tin, công nghiệp hàng tiêu dùng. Thế nhưng, một số người dân ở đây cho biết họ rất bức xúc khi phát hiện quy hoạch xây dựng chi tiết của tỉnh dành tới gần 20 héc ta, tức chiếm tới 38% trong tổng diện tích đất thu hồi, để phân lô làm nhà ở, biệt thự.
Gần 300.000 héc ta đất đang bị bỏ hoang Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường, tính đến tháng 7-2009, diện tích đất bỏ hoang của các tổ chức được giao, thuê lên tới trên 299.719 héc ta. Trong đó, đất từ các dự án “treo” là 48.888 héc ta, tập trung chủ yếu là các trường học, những dự án phát triển đô thị mới, dự án xây dựng khu công nghiệp... Nhiều khu, cụm công nghiệp được thành lập nhưng không có nhà đầu tư. Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thành lập từ năm 1995 chỉ mới lấp đầy 18, 8%; Khu công nghiệp Đồ Sơn thành lập từ năm 1997 với diện tích lấp đầy 24,1%; Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 được thành lập từ năm 1998 đến nay mới lấp đầy 9,6%; Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau) được thành lập từ năm 2004 vẫn đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, mới cho thuê được 3 héc ta, lấp đầy 1,22%; Khu công nghiệp Cát Lái 4 (TPHCM) và Khu công nghiệp Kim Hoa (Vĩnh Phúc) được thành lập từ năm 1997-1998 nhưng chưa hoàn thành xây dựng cơ bản. |
“Pháp luật đất đai nghiêm cấm việc lợi dụng dùng đất khu công nghiệp chuyển sang mục đích kinh doanh đất ở và gần đây trong quá trình giải quyết khiếu nại, tỉnh cũng đã thừa nhận sai sót. Vậy mà chính quyền vẫn ráo riết bắt dân giao đất, thực hiện quyết định thu hồi cho bằng được, thật khó hiểu!”, ông Đạo, một người dân ở đây, băn khoăn.
Nhìn những đồi trà xanh mướt nằm ngay giữa lòng thị xã, chúng tôi không khỏi tiếc rẻ khi nghĩ đến một ngày nào đó khung cảnh đầy thi vị này sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho một dự án cụm công nghiệp mà tương lai của nó chưa biết đi về đâu.
Thực tế thì ngay trong khuôn viên quy hoạch đã có vài doanh nghiệp đến xí chỗ, trong đó có một doanh nghiệp sản xuất suất ăn công nghiệp đang hoạt động. Nước thải từ công ty này tạo thành dòng chảy đen len lỏi dưới cỏ và phảng phất một mùi hôi thối khó chịu.
Ngoài các cơ sở công nghiệp nói trên, một khu công nghiệp đồ sộ hơn rất nhiều cũng đang trong quá trình hình thành trên địa bàn thị xã Bảo Lộc. Đó là khu công nghiệp Đại Lào với tổng diện tích lên tới 500-700 héc ta và dự kiến tổng vốn đầu tư 600-800 tỉ đồng.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, khu công nghiệp này được thiết kế theo hướng đa ngành, nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho người lao động. Một khu công nghiệp thì èo uột với hơn 100 héc ta đất còn bị bỏ hoang; một cụm công nghiệp thì nằm “treo” suốt ba năm nay và tương lai chưa biết sẽ ra sao, nay lại tiếp tục lập thêm một “đại khu công nghiệp” mới!
Hơn thế nữa, cơn sốt lập khu công nghiệp không chỉ dừng lại ở thị xã cao nguyên nhỏ bé này.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Lâm Đồng, tỉnh này đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 12 khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong kế hoạch từ nay đến năm 2015 với tổng nguồn vốn ước tính trên 2.500 tỉ đồng.
Đáng nói là cả tỉnh hiện có hai khu công nghiệp và 14 cụm, điểm công nghiệp ở các huyện, thị xã và thành phố Đà Lạt nhưng hầu hết đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc nằm chờ vốn đầu tư.
Đồng Nai: nhiều KCN thành bãi thả bò, chích xì ke...
Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong chín tháng đầu năm 2009 các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ cho thuê được tổng cộng 22,9 héc ta đất, chủ yếu tập trung tại ba KCN: Amata, Tam Phước, Nhơn Trạch III.
Hầu hết trong số 29 khu công nghiệp của tỉnh đều rơi vào tình trạng ế ẩm.
Điển hình là khu công nghiệp Tân Phú, triển khai từ năm 2005 tại huyện Tân Phú nhằm thu hút đầu tư vào các ngành nghề công nghiệp nhẹ, chế biến nông sản - thực phẩm nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào hoạt động.
Hơn 54 héc ta đất của gần 100 hộ dân, trong đó có nhiều diện tích đang canh tác bị giải tỏa với giá chưa đến 7.000 đồng/mét vuông bây giờ trở thành bãi đất hoang vu. Thậm chí, có nơi trở thành bãi tập kết rác thải hoặc nơi chích choác của dân xì ke.
Khu công nghiệp Xuân Lộc nằm trên quốc lộ 1 thuộc huyện Xuân Lộc, rộng 109 héc ta, được Công ty Phát triển KCN Biên Hòa đầu tư 5 triệu đô la Mỹ và cũng để thu hút đầu tư vào các ngành nghề công nghiệp nhẹ, chế biến nông sản-thực phẩm. Sau ba năm hình thành, ở đây chỉ mới có vỏn vẹn ba doanh nghiệp đến thuê 30 héc ta, số đất còn lại hoặc bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm hoặc trở thành bãi thả bò bất đắc dĩ.
“Hàng xóm” huyện Tân Phú là huyện Định Quán, từ năm 2004 cũng mở riêng cho mình khu công nghiệp Định Quán diện tích trên 55 héc ta với mục tiêu phát triển các ngành bao bì (không xeo giấy); giày; da; may mặc; điện tử; cơ khí (không xi mạ); vật liệu xây dựng; trang trí nội thất; chế biến nông sản...
Theo báo cáo, tính đến ngày 15-3-2009 mới có 14 doanh nghiệp đăng ký sử dụng 21,15 héc ta. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có sáu doanh nghiệp đang đầu tư, sử dụng khoảng gần 13 héc ta, số đất còn lại vẫn đang bị bỏ hoang.
Ông Trần Văn Ngà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường La Ngà, một đơn vị nằm sát khu công nghiệp Định Quán, nói với chúng tôi rằng: “Không cần thiết phải xây dựng quá nhiều khu công nghiệp đến thế. Ba huyện Tân Phú, Xuân Lộc và Định Quán chỉ cần một khu công nghiệp là đủ, vì khu công nghiệp ở đây chỉ cần chế biến những mặt hàng nông sản của người dân, trước khi đưa đi tiêu thụ. Chẳng nhà đầu tư nào mua nguyên vật liệu từ TPHCM về đây chế biến rồi chở trở lại để tiêu thụ”.
Tương tự, khu công nghiệp Dầu Giây diện tích 330 héc ta kêu gọi đầu tư từ đầu năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa có một nhà đầu tư nào “viếng thăm”.
Đất bị quy hoạch ở đây vẫn tạm thời đang khai thác cao su để tránh lãng phí. Khu công nghiệp Giang Điền diện tích 529 héc ta được công bố quy hoạch từ năm 2008, đến nay vẫn dậm chân tại chỗ do vướng giải tỏa đền bù...
Hàng loạt khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), Long Khánh (thị trấn Xuân Lộc), Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch), Long Đức (huyện Long Thành), An Phước, Nhơn Trạch VI... cũng đều rơi vào tình cảnh khó khăn tương tự hoặc đang ì ạch triển khai, chờ nhà đầu tư...
Điều hết sức khó hiểu là mặc dù đang trong tình trạng như vậy nhưng địa phương vẫn tiếp tục cho mở rộng hoặc thành lập thêm khu công nghiệp. Theo đề án điều chỉnh việc phát triển khu công nghiệp của UBND tỉnh Đồng Nai, đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh này sẽ mở rộng thêm 657 héc ta khu công nghiệp; thành lập thêm năm KCN với diện tích lên đến 1.470 héc ta.
Các cấp chính quyền ở dưới cũng thi nhau xin mở rộng hoặc thành lập thêm như huyện Xuân Lộc xin mở rộng khu công nghiệp Xuân Lộc lên 200 héc ta (dù chỉ mới sử dụng vỏn vẹn 30 héc ta như đã nêu); huyện Định Quán xin mở rộng khu công nghiệp Định Quán từ 54 héc ta lên 114 héc ta (dù chỉ mới sử dụng 13 héc ta). Một số khu công nghiệp dù chưa cho thuê được mét vuông đất nào như Tân Phú cũng được chấp thuận mở rộng lên 76 héc ta; Long Đức (Long Thành) từ 283 héc ta xin nới thêm 130 héc ta...
Cần Thơ: khu công nghiệp “treo”, dân lao đao
Thành phố Cần Thơ hiện có sáu khu công nghiệp nhưng không ít trong số đó đang trầy trật trong quá trình triển khai, thu hút nhà đầu tư. “Khổ” nhất có lẽ là khu công nghiệp Hưng Phú 1 và khu công nghiệp Hưng Phú (2A+2B).
Nằm bên hữu ngạn sông Hậu trữ tình, hai khu công nghiệp được thành lập nhằm ưu tiên thu hút các ngành nghề chế tạo cơ khí; lắp ráp điện, điện tử; chế biến nông, thủy, hải sản, gia súc, gia cầm đông lạnh, đóng hộp; chế tạo vật liệu xây dựng; sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm; giao thông - vận tải; dịch vụ xuất, nhập khẩu và các ngành công nghiệp chế biến khác. Khu công nghiệp Hưng Phú 1 có tổng diện tích 262 héc ta do Công ty cổ phần KCN Sài Gòn- Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Quy hoạch, triển khai cả bốn, năm năm nay rồi nhưng nơi đây chỉ mời được bốn doanh nghiệp đến đầu tư với diện tích đăng ký thuê 23 héc ta (chiếm trên 12,56% tổng diện tích). Tuy nhiên, trong số đó có ba doanh nghiệp đã đến đây từ trước khi hình thành khu công nghiệp.
Tương tự, khu công nghiệp Hưng Phú 2 có tổng diện tích 212 héc ta do Công ty BMC và Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư, trong nhiều năm qua cũng mới chỉ có hai dự án đăng ký vào hoạt động với diện tích 30 héc ta (chiếm 14% tổng diện tích). Nhiều diện tích đất của hai khu công nghiệp nói trên vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng vì không thỏa thuận được giá đền bù với dân.
Tuy nhiên, người chịu thiệt hại nặng nề là các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa. Do nằm gần sông Hậu, được phù sa bồi đắp nên khu vực phường Tân Phú trồng cây ăn trái cho thu hoạch cao. Từ năm 2005, khi có công bố quy hoạch xây dựng KCN Hưng Phú, những hộ trồng cây ăn trái đều bỏ hoang cho cây chết vì không biết chủ đầu tư sẽ lấy đất khi nào, làm nhiều nhà vườn lao đao.
Ông Nguyễn Văn Ẩn bùi ngùi: “Vườn cam mỗi năm của tôi giờ bỏ thí, vì nếu ra công trồng, chăm sóc, tiền phân bón... không biết có được thu hoạch không vì không biết khi nào sẽ bị giải tỏa. Người dân “dài cổ” chờ đền bù giải tỏa, còn nhà đầu tư “treo” quy hoạch, chờ hộ nào kiệt sức, không có tiền sẽ mua đất với giá thấp. Vườn, ruộng bỏ hoang, cỏ mọc hoang vu, người dân lao đao vì những khu công nghiệp “treo” như thế này.
Mới có 145/228 KCN đã hoạt động
Theo ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 10 - 2009, cả nước đã có 228 khu công nghiệp (KCN) được thành lập trên 56/63 tỉnh, thành với tổng diện tích khoảng 58.000 héc ta; 145 KCN đã đi vào hoạt động; 83 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng. KCN tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam bộ (chiếm 37% về số KCN và hơn 48% về diện tích đất), đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Địa phương có nhiều KCN nhất là Đồng Nai (28 KCN), Bình Dương (27 KCN) và TPHCM (16 KCN).
Ngoài ra, cả nước còn có 14 khu kinh tế (KKT) đã được thành lập với tổng diện tích gần 630.000 héc ta, tập trung chủ yếu tại miền Trung (10 khu), miền Nam (2) và miền Bắc (2). Các khu chức năng thuộc KKT gồm: khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, sân bay, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính, khu du lịch - dịch vụ, khu vui chơi giải trí.
Trong một thống kê khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng diện tích đất đã cho thuê ở các khu đang hoạt động đạt tỷ lệ 64% diện tích đất công nghiệp. Còn tính chung các khu công nghiệp cả nước thì tỷ lệ lấp đầy mới đạt 46%.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về hiệu quả, giá trị sản xuất công nghiệp tính trên đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu đô la Mỹ/héc ta/năm (trong khi sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 600 đô la Mỹ/héc ta/năm). Các KCN đóng góp hàng năm khoảng 20% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính bình quân đất cho thuê tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 700.000 đô la Mỹ/héc ta (cao hơn xuất khẩu gạo chỉ khoảng 320 đô la Mỹ/héc ta).
Các KCN đã tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động làm việc trực tiếp trong KCN, bình quân 1 héc ta đất công nghiệp đã cho thuê thu hút được trên 70 lao động trực tiếp (trong khi đất nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 10-12 lao động/héc ta).
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG