Lập lại trật tự trong quản lý đầu tư phát triển đô thị

Cập nhật 17/01/2013 16:50

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị vừa được Chính phủ ban hành ngày 14/1 được kỳ vọng sẽ góp phần lập lại trật tự trong quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Đây là nghị định toàn diện nhất từ trước tới nay về lĩnh vực quản lý đầu tư phát triển đô thị, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị bao gồm quy hoạch đô thị; hình thành, công bố kế hoạch triển khai các khu vực phát triển đô thị; thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác, chuyển giao các dự án đầu tư phát triển đô thị.

Nét mới và đặc biệt nhất ở nghị định mới ban hành này là kiểm soát được quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.

Nghị định này sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để từng bước thiết lập lại trật tự trong đầu tư phát triển đô thị và hình thành các khu vực phát triển đô thị để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch và kế hoạch, tránh dàn trải, theo phong trào, lãng phí nguồn lực… đồng thời, đây là công cụ pháp lý để khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư phát triển đô thị hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tế trong đầu tư phát triển đô thị thông qua việc hình thành ban quản lý khu vực phát triển đô thị.

Không những thế, nghị định còn tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị. Từ nay, khu vực phát triển đô thị được xác định rõ ràng - đó là một khu vực được xác định để đầu tư phát triển đô thị trong một giai đoạn nhất định, gồm khu vực phát triển đô thị mới, khu vực phát triển đô thị mở rộng, khu vực cải tạo, khu vực bảo tồn, khu vực tái thiết đô thị, khu vực có chức năng chuyên biệt.

Mục đích của việc xác định khu vực phát triển đô thị là để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đồng bộ và bền vững. Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt thì địa phương phải xác định cụ thể khu vực phát triển đô thị để lập kế hoạch phát triển đô thị 5 năm và hàng năm.

Đáng chú ý, lần đầu tiên sẽ có Ban quản lý khu vực phát triển đô thị. Tùy theo điều kiện của địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập ban quản lý khu vực phát triển đô thị. Các đô thị có đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc thành lập ban quản lý khu vực phát triển đô thị. Còn các đô thị khác thì khuyến khích các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế có thể thành lập hoặc không, chứ chưa bắt buộc...

Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến, tùy theo từng địa phương, người ta có thể kiện toàn lại ban quản lý hiện có để phù hợp với tính chất mới, chức năng nhiệm vụ mới, hoặc thành lập mới ban quản lý nếu địa phương chưa có.

Đơn cử, Hà Nội hiện nay có rất nhiều ban quản lý, từ ban giải phóng mặt bằng, đến công trình trọng điểm, ban hạ tầng, ban khu đô thị mới… Các ban này cần được rà soát lại chức năng và mô hình quản lý để có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng yêu cầu giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án.

Trường hợp khu vực phát triển đô thị rơi vào địa bàn của hai tỉnh trở nên thì Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh có liên quan thành lập ban điều phối giúp cho các ban quản lý khu vực phát triển đô thị của địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ xây dựng sẽ đóng vai trò trung gian, điều phối các dự án đó để “gác cửa” cho Thủ tướng, vì địa phương nào cũng sẽ hình thành ban quản lý của riêng mình trên phạm vi ranh giới của tỉnh đó. Bộ Xây dựng cũng sẽ phải giám sát việc đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đề ra.
 

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN