Ngày 1-4, Ban quản lý dự án (BQLDA) đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP cho biết đốt hầm Thủ Thiêm số 2 vừa được đưa từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) ra sông Lòng Tàu để chuẩn bị lai dắt về TP.HCM.
Theo kế hoạch, từ 7g-8g ngày 5-4 bắt đầu lai dắt đốt hầm (dài 92,4m, rộng 33,3m, cao 9,1m và nặng 27.000 tấn) lúc vận tốc dòng chảy ở khu vực sông Lòng Tàu êm thuận nhất. Đốt hầm sẽ đi qua các sông Lòng Tàu, Nhà Bè và Sài Gòn (dài 22km) về đến khu vực Mỹ Cảnh, Q.1 lúc 13g cùng ngày. Có khoảng 700 người của 20 cơ quan, đơn vị tham gia công tác lai dắt đốt hầm số 2.
Ông Vương Hoàng Thanh, phó giám đốc BQLDA đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP, cho biết lần này TP đã đưa Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ vào ban chỉ đạo công tác lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm. Đơn vị này sẽ thông tin kịp thời tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến con nước trên tuyến hành trình và thông báo đến các đơn vị quản lý nhà máy thủy điện không xả nước lũ trong thời gian lai dắt đốt hầm để bảo đảm việc lai dắt đốt hầm an toàn tuyệt đối.
Việc lắp đặt đốt hầm số 2 kết nối với đốt hầm số 1 có khó khăn hơn vì vị trí đặt đốt hầm số 2 nằm ở giữa sông Sài Gòn, nơi có luồng nước lưu thông với vận tốc cao hơn so với đốt hầm số 1 nằm sát bờ. Nhà thầu Obayashi đã tính toán đầy đủ biện pháp kỹ thuật kết nối giữa đốt hầm số 2 với đốt hầm số 1.
Để bảo đảm công tác lai dắt đốt hầm số 2 thành công, BQLDA yêu cầu từng đơn vị giữ nguyên đội hình đã lai dắt đốt hầm số 1. Trong đó, giữ nguyên thuyền trưởng bốn tàu lai dắt Thái Lan vì đã có kinh nghiệm lai dắt đốt hầm số 1.
TP cũng đã chấp nhận tổ chức một đoàn nhà khoa học của các trường đại học: Bách khoa, Kiến trúc, Giao thông vận tải TP.HCM và Xây dựng Hà Nội tham gia thực tế công tác lai dắt đốt hầm để có thêm kinh nghiệm cũng như đưa vào bài giảng dạy ở trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ