Lành mạnh hóa thị trường bất động sản: Áp thuế cao, hạn chế đầu cơ

Cập nhật 24/03/2008 09:00

Cơn sốt đất lan nhanh từ Hà Nội sang các vùng lân cận cùng với những thông tin về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Tình trạng đầu cơ làm tăng nhu cầu ảo kéo giá BĐS lên cao...

Giá đất đã có lúc lên tới 80 triệu đồng/m2 ở những khu đô thị mới và lên hơn 100 triệu đồng/m2 ở các khu phố cổ, phố cũ thuộc trung tâm Hà Nội. UBND TP Hà Nội đang xem xét đề án “Quản lý và phát triển thị trường BĐS” với hàng loạt giải pháp “giảm nhiệt”, nhằm minh bạch hóa, đưa thị trường vào “quỹ đạo”.

Tại cuộc họp với các ngành chức năng về Đề án này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, thành phố sẽ trình lên Chính phủ 4 nhóm giải pháp: Tăng cường chấn chỉnh thị trường BĐS sơ cấp; Kiểm soát ngân hàng, tín dụng cho vay kinh doanh BĐS; Dùng công cụ thuế và tài chính; Quản lý thị trường BĐS bằng cách minh bạch, công khai các dự án tăng cường kiểm tra, giám sát...

Minh bạch hóa thông tin

Theo đề xuất của Trung tâm Giao dịch Bất động sản Hà Nội, cần công khai hóa địa điểm, quy mô, các chỉ tiêu về kiến trúc, mật độ xây dựng, chiều cao công trình và công năng sử dụng công trình của các dự án trong nội thành, nhất là tại khu phố cổ, phố cũ và trên trục tuyến giao thông chính. Ngoài ra, TP tăng cường phương thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình tại các “khu đất vàng” để chọn được chủ đầu tư xứng đáng; đồng thời xét duyệt một cách thận trọng năng lực, khả năng của chủ đầu tư và tính khả thi của dự án tại những địa điểm đẹp.

Trên thực tế, khi thông tin không được công khai hoặc bị một số người cố tình bưng bít thì những người tham gia thị trường nhà đất sẽ không có những thông tin cần thiết. Đây chính là điều kiện lý tưởng để “cò nhà đất” làm lũng đoạn thị trường gây ra những cơn sốt giá ảo. Ông Vũ Đức Đôi-Vụ phó Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có dự án nhằm công khai thông tin về đất đai trên mạng trước năm 2015.

Hạn chế đầu cơ bằng thuế

Theo Văn phòng Đăng ký đất-nhà Hà Nội, năm 2007, Hà Nội thu gần 297 tỷ đồng từ lệ phí trước bạ nhà đất và gần 486 tỷ đồng từ thuế chuyển quyền sử dụng đất. Trong những năm qua, việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô đã thu về cho ngân sách TP hàng nghìn tỷ đồng, góp phần xây dựng hạ tầng đô thị. Có ý kiến cho rằng, nguồn lực thu được từ đất vẫn chưa ngang tầm với tiềm năng của thị trường này.

Theo Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, cần dùng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ. Đề án cần quan tâm đề xuất giải pháp đánh thuế BĐS thay cho các loại thuế liên quan đến nhà đất. Muốn hạ nhiệt giá BĐS, Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể ở tầm vĩ mô. Nhiều chuyên gia cho rằng, để thị trường BĐS phát triển lành mạnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống lạm phát cần thực hiện đồng bộ các biện pháp về thể chế, tín dụng ngân hàng, tài chính, quản lý thị trường.

Những giải pháp đồng bộ

Nhiệm vụ trước mắt (giai đoạn 2008-2009) bản Đề án đặt ra là: Triển khai có hiệu quả Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư. Chủ động kiểm soát thị trường; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động của thị trường BĐS trên địa bàn Hà Nội; thực hiện xử lý sắp xếp và quản lý các BĐS là nhà, đất thuộc tài sản công, BĐS đô thị, BĐS nhà ở; xây dựng cơ chế và chính sách quản lý, cấp phép hoạt động dịch vụ, môi giới, tư vấn đầu tư BĐS trên địa bàn.

Nhiệm vụ lâu dài là hình thành đồng bộ các yếu tố cấu thành của thị trường BĐS; hoàn thiện cơ chế, chính sách và mô hình quản lý và phát triển thị trường theo quy định của Nhà nước và có tính đặc thù của Thủ đô nhằm khuyến khích phát triển thị trường và tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS.

Bản Đề án đã đưa ra một số giải pháp cấp bách trong giai đoạn 2008-2009. Cụ thể, đối với BĐS là nhà ở, đất ở thuộc tư nhân, cần có chính sách về thuế phù hợp để khuyến khích người dân tự giác đăng ký giao dịch, chuyển nhượng theo quy định.

Đối với BĐS thuộc sở hữu nhà nước, TP tập trung rà soát toàn bộ quỹ nhà công sở do cơ quan, đơn vị sự nghiệp đang quản lý, sử dụng trên địa bàn; rà soát quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước. Ông Trịnh Kiên Đĩnh-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất cho biết, đến năm 2010 Hà Nội sẽ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP, tăng nguồn hàng hóa.

Đối với BĐS công nghiệp, dịch vụ thương mại, kinh doanh sản xuất, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành các quy định về chuyển nhượng dự án xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê; chuyển nhượng công trình xây dựng gắn liền với đất thuê đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê, đất thuê trả tiền thuê hàng năm Đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các khu đô thị và đầu tư nhà ở phục vụ nhu cầu của dân cư...

Quản lý, phát triển thị trường BĐS trên địa bàn Hà Nội là việc mới và khó, đòi hỏi vừa làm vừa điều chỉnh để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Ông Trịnh Kiên Đĩnh cho rằng, nếu được UBND TP phê duyệt Đề án này sẽ tạo cơ sở để các sở, ngành quản lý thị trường BĐS và định hướng thị trường phát triển lành mạnh.

Theo Hà Nội Mới