Lãng phí tiền tỉ từ một cây cầu

Cập nhật 07/03/2009 08:20

Hàng trăm hộ dân đã bị giải tỏa và được bồi thường hàng tỉ đồng. Khi bồi thường xong, địa phương lại đề xuất xây cầu ở... vị trí khác!

Ngày 1.7.2005, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho 107 hộ dân xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành bị ảnh hưởng bởi việc “nắn lại” con đường dẫn lên cầu Nha Mân (thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống) với kinh phí 6,654 tỉ đồng.

Trong số này, 92 hộ đã nhận tiền bồi thường xong, 15 hộ còn lại đang khiếu nại đơn giá bồi thường. Hơn 3 năm sau, trong lúc dự án trên chưa được triển khai thì ngày 20.10.2008, UBND tỉnh Đồng Tháp lại phê duyệt một phương án “bồi thường tổng thể” khác. Theo đó, thêm 111 hộ dân nữa ở khu phố chợ Nha Mân cũ bị giải tỏa để xây cầu Nha Mân với tổng số tiền bồi thường là 14,855 tỉ đồng. Ban quản lý các công trình giao thông 7 (Bộ GTVT) đã tạm ứng cho địa phương số tiền 10 tỉ đồng để chi trả trước cho người dân và có 56/111 hộ dân đồng ý nhận tiền tạm ứng trước, tổng cộng 4,6 tỉ đồng.

Nhưng hơn 14,8 tỉ đồng chưa phải là con số cuối cùng, bởi vì cho tới thời điểm này hàng chục hộ dân còn đang khiếu nại và phương án bồi thường chi tiết vẫn chưa được phê duyệt.

Ai chịu trách nhiệm về tiền tỉ lãng phí?


Xung quanh phản ánh của dân, ông Nguyễn Công Chánh, Phó ban Bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Châu Thành, thừa nhận: “Vì dự án cầu Nha Mân không có khu tái định cư nên huyện mới xin tỉnh cho người dân bị giải tỏa vào khu dân cư của xã Tân Nhuận Đông. Chính vì vậy có những trường hợp bị giải tỏa nhà mặt tiền, giờ bị vào sâu bên trong nên bà con phản đối”. Về kinh phí bồi thường giải tỏa, dự toán lúc đầu là 14,855 tỉ đồng nhưng theo ông Chánh thì con số hiện nay đã là 17 tỉ đồng.

Năm 2001 Bộ GTVT có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp QL80, đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống. Trong đó cầu Nha Mân là một trong 8 cầu cũ sẽ được nâng cấp, sửa chữa. Nhưng sau khi kiểm định chất lượng cầu, xét thấy phương án nâng cấp cầu cũ quá tốn kém, vì vậy ngày 3.10.2005 Bộ GTVT có quyết định phê duyệt báo cáo điều chỉnh từ nâng cấp, sửa chữa sang xây mới cầu Nha Mân, vị trí cầu mới dự kiến bên trái cầu Nha Mân hiện hữu (theo hướng Mỹ Thuận đi Vàm Cống).

Ngày 2.3.2006, UBND huyện Châu Thành có văn bản đề xuất Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại vị trí xây cầu Nha Mân vì lý do “nếu xây dựng cầu mới bên trái cầu hiện hữu thì sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc quy hoạch của dự án khu dân cư chợ Nha Mân”, mặc dù trên thực tế thì vị trí xây cầu và khu dân cư vẫn còn khoảng cách khá xa.

Ngày 27.9.2006, Sở GTVT Đồng Tháp có văn bản số 596/SGTVT-KH đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chính thức về đề xuất của huyện Châu Thành. Ngay sau đó, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét, cho thay đổi vị trí xây dựng cầu Nha Mân mới về phía bên phải cầu Nha Mân hiện hữu. Dựa theo kiến nghị của địa phương, ngày 29.10.2007 Bộ GTVT chính thức có quyết định điều chỉnh dự án, trong đó ghi rõ: “Điều chỉnh vị trí xây dựng cầu Nha Mân mới từ bên trái sang bên phải cầu hiện hữu theo đề nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp”.

Vậy thì đã rõ, việc giải tỏa hơn trăm hộ dân, tốn kém hàng tỉ đồng rồi bỏ vì thay đổi quy hoạch là xuất phát từ ý kiến đề xuất của UBND huyện Châu Thành và UBND tỉnh Đồng Tháp. Đáng lưu ý, người dân và một số cán bộ tại địa phương cho biết quy hoạch khu dân cư chợ Nha Mân có sau quy hoạch xây cầu, nhưng được triển khai trước.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên