Dự án “Làng cá Sa Huỳnh” ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) được quy hoạch trên diện tích 25ha từ năm 1995 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 11,7 tỷ đồng. Năm 1999, dự án được điều chỉnh quy hoạch xuống còn 20,6ha nhưng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lại “đội” lên đến 30 tỷ đồng, nhưng do không có vốn, dự án dừng luôn.
Dân khốn đốn
Lọt thỏm đằng sau UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, căn nhà tranh, vách đất của gia đình bà Nguyễn Thị Ngôn tưởng chừng không thể tồi tàn hơn. Mái nhà dột nát, vách xiêu vẹo, nghiêng lệch chực đổ sụp. Bà Ngôn được dịp thổ lộ: “Vợ chồng tôi hom hem rồi mà cũng chưa có chỗ ở yên ổn”. Bà nhìn lên nóc nhà trống huếch trống hoác than: “Tội cho con cái, lập gia đình sinh cháu rồi mà phải sống chật chội nóng không chịu nổi, nơm nớp lo sợ nhà sập khi trời mưa gió”.
Dọc theo các thôn Thạch Bi, La Vân và Tân Diêm trong vùng quy hoạch dự án làng cá, hàng chục hộ dân trong diện “chờ” tái định cư cũng đang khổ sở vì nhiều năm sống trong mái nhà chật chội. Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Hiền ở thôn Tân Diêm có 6 người con (4 người con trai đã lập gia đình, đều đã sinh con) với 18 nhân khẩu. Do dự án bị treo quá lâu nên ông Hiền đành “vi phạm” quy hoạch cơi nới thêm nhà cửa để các con trong gia đình có chỗ ở sinh hoạt.
Thực tế dân trong vùng quy hoạch “Làng cá Sa Huỳnh” xây nhà hay cơi nới trên đất của mình là trái phép, vi phạm quy hoạch. Không những vậy, mức đền bù không thỏa đáng nên dân ở đây đang rất bức xúc và không ai muốn nhận. Ông Đoàn Cưu lật xấp giấy tờ đền bù, bực dọc: “Đền bù gì mà 1m2 đất chỉ có 6.000đ (ngang giá với 1 tô phở). Với mức đền bù quá thấp như vậy thì các gia đình làm gì có đủ tiền xây nổi một ngôi nhà chứ đừng nói đến dành vốn phát triển sản xuất”.
Chính quyền... đau đầu
Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ thừa nhận, việc kéo dài dự án “Làng cá Sa Huỳnh” hơn 12 năm qua đã gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế của người dân địa phương, vì dây dưa quá lâu quỹ đất canh tác của xã bị chiếm hết. Ông Trinh cho biết: “Hiện chúng tôi cũng đang đau đầu vì dự án thi công quá chậm”.
Đi tìm nguyên nhân, ông Lê Văn Mùi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho biết: “Lỗi là do ban đầu nhóm cán bộ dự án làm theo quy trình ngược - thi công làng cá trước mới đền bù sau nên mới nảy sinh nhiều vấn đề. Vùng đất này trước đây phần lớn là đầm lầy, BQL dự án (nay là BQL các dự án đầu tư huyện Đức Phổ) đã cho đơn vị thi công hút cát từ cửa lạch Sa Huỳnh lên tôn tạo mặt bằng để giãn dân và tái định cư. Do thiếu kiên quyết ngay từ đầu, nên nảy sinh bất cập trong khâu áp giá đền bù làm dự án vốn đã chậm lại kéo dài thêm.
Trong tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng làng cá 30 tỷ nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ 15 tỷ còn lại huy động từ quỹ đất. Quỹ đất khó huy động, dẫn đến thiếu vốn đầu tư... Ông Mùi băn khoăn: “Khó khăn nhất vẫn là công tác đền bù, theo cơ chế đổi đất tái định cư từ 300m2 trở xuống thì dân được đổi 1 lô đất ở 100m2, còn lại bồi thường theo giá đền bù đất ở hiện hành. Từ 300m2 đến 500m2 được đổi 2 lô đất ở, từ 500m2 đến dưới 1.000m2 thì được đổi 3 lô, 1.000m2 trở lên thì được 4 lô đất ở. Lợi dụng quy định này, trong khi dự án “treo” một số hộ dân đã cơi nới thêm đất ở càng làm “nóng” thêm vướng mắc trong công tác đền bù. Như vậy xem ra người dân ở còn phải khổ... dài dài vì dự án Làng cá Sa Huỳnh”.
Theo Hà, Nguyễn - Sài Gòn Giải Phóng