Phát triển là cần thiết nhưng phải hết sức cân nhắc đối với các dự án lấn biển vì nó tác động rất lớn về mặt môi trường, xã hội.
Trong bài viết “Lấn vịnh Đà Nẵng: Không khả thi!” (Pháp Luật TP.HCM ngày 3-3), nhiều chuyên gia quy hoạch, môi trường bày tỏ sự không đồng tình về đề xuất lấn biển của quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Sau bài viết, chúng tôi nhận được ý kiến của một số chuyên gia về biển cũng như người dân địa phương với quan điểm tương tự. Xin giới thiệu cùng bạn đọc hai ý kiến tiêu biểu.
TS NGUYỄN TÁC AN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang:
Phải cẩn trọng với các dự án lấn biển
Vùng biển ven bờ có tài nguyên rất quý, có thể phát triển lâu dài, phục vụ cho rất nhiều người. Ở các nước, vùng biển ven bờ luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, song song với các hoạt động bảo tồn, giám sát, khai thác có chọn lọc.
Lấn biển sẽ tác hại rất lớn đến môi trường, sinh thái bởi sẽ hủy diệt môi trường vùng biển ven bờ. Khi lấn biển, vùng nước của cả một vùng biển ven bờ bị làm bẩn, hàng loạt sinh vật chuyên sống gần bờ sẽ bị giết chết. Nếu vùng biển đó có san hô thì dự án lấn biển càng tác động xấu tới sinh thái, vì các rạn san hô sẽ chết và không thể khôi phục.
Vùng biển ven bờ là vùng tài nguyên chia sẻ, là nguồn sống của cộng đồng, là sinh kế của người dân ở đó. Trong khi đó, việc lấn biển chủ yếu chỉ vì mục tiêu kinh tế, phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp hoặc một số ít người. Do đó, muốn thực hiện các dự án lấn biển, dứt khoát phải có sự khảo cứu toàn diện, đầy đủ, hết sức khách quan, nghiêm túc. Phải đánh giá tác động về mọi mặt, phải làm rõ, công khai, minh bạch lấn biển sẽ được cái gì, mất cái gì, ai được, ai mất. Quan trọng nhất là ý kiến của người dân ở đó có đồng thuận hay không vì vùng biển đó gắn liền với cuộc sống của họ.
Phát triển là cần thiết nhưng phải hết sức cân nhắc đối với các dự án lấn biển vì nó tác động rất lớn về mặt môi trường, xã hội. Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà gây hại lâu dài đối với cộng đồng. Thủ tướng đã nói không phát triển bằng bất cứ giá nào. Do đó phải xem xét kỹ lưỡng, có trách nhiệm đối với các đề xuất lấn biển ở bất cứ địa phương nào.
Đầu năm 2018, biển xâm thực gây sạt lở nặng bãi tắm Sao Biển, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRI |
Hai dự án lấn biển tai tiếng
• Đầu năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư. Dự án này đã đổ đất lấp biển, lấn chiếm trái phép vịnh Nha Trang gần 2,3 ha.
• Cuối năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt hành chính Công ty CP Khu du lịch Champarama tổng cộng 105 triệu đồng do đổ đất đá lấp lấn vịnh Nha Trang trái phép hơn 1,7 ha khi thi công dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa. Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa lấp lấn vịnh Nha Trang cũng bị phạt tổng cộng 175 triệu đồng do lấp lấn vịnh Nha Trang trái phép gần 1,3 ha khi thi công dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa…
Kiểm tra các dự án lấn biển ở Nha Trang
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh đang giao các ngành chức năng tổng hợp để báo cáo Thủ tướng về các dự án đầu tư xây dựng thuộc khu vực TP Nha Trang có hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang.
Đầu tháng 2-2018, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Công văn nêu: Thời gian qua, một số báo có bài viết phản ánh tình trạng nhiều dự án đầu tư xây dựng san lấp lấn biển, ảnh hưởng cảnh quan vịnh Nha Trang. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài và nghiêm trọng nhưng việc xử lý vi phạm chưa triệt để nên các công trình vi phạm vẫn tồn tại. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh của báo chí, có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-5-2018.