Những năm gần đây, xu hướng chuyển nhượng BĐS ngày càng nở rộ. Trước tình hình tín dụng bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp BĐS bắt đầu thích nghi với chính sách mới bằng việc tìm đầu ra cho dự án, thay vì ngồi im than vãn.
Mới đây, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn CapitaLand đã thông qua công ty con của mình mua lại 65% cổ phần của công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn với mức giá khoảng 121,2 tỉ đồng (tương tương 7,3 triệu USD Singapore).
Trước đó, một thương vụ cũng từ CapitaValue Homes Limited đã được thực hiện với việc mua lại 70% cổ phần của một dự án chung cư tại phường Bình Trưng Đông, quận 2-TPHCM của Công ty Khang Điền Sài Gòn - một thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã thông qua chủ trương sẽ chuyển nhượng hàng loạt dự án như: Căn hộ Hoa Sen Phước Long B và Hoa Sen Riverside (quận 9, TP.HCM), chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 123 Trần Não, phường Bình An, quận 2. Đồng thời chuyển nhượng 45% phần vốn góp tại dự án cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept...
Ông Chi Edward, Tổng Giám đốc công ty Coldwell Banker Việt Nam, đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư cho rằng, những thương vụ chuyển nhượng được công bố công khai thực chất chỉ mới phản ánh phần nổi, trên thực tế, phần thoả thuận chuyển nhượng ngầm mới thật sự sôi động. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, số thương vụ mà Coldwell Banker tham gia tư vấn đã tăng 20-30% so với năm ngoái, chủ yếu là nhóm các nhà đầu tư Singapore, Hong Kong, Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Chi Edward, Tổng giám đốc Coldwell Banker cho biết: “Họ mua lại dự án của những doanh nghiệp không còn có khả năng tài chính. Thậm chí mua lại dự án đã triển khai được 50% vì giá BĐS tại Việt Nam còn rất rẻ”.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có lượng doanh nghiệp quan tâm tới BĐS khá lớn, với mức đầu tư vào Việt Nam trong những năm qua lên tới trên 23 tỷ USD. Mặc dù phần lớn các DN đều nhận thấy cơ hội mua rẻ trong bối cảnh các doanh nghiệp VN rơi vào tình trạng thiếu vốn, nhưng xu thế thận trọng vẫn thể hiện rõ khi phần lớn các phi vụ chuyển nhượng thành công tập trung ở những dự án đã hoàn thành xong thủ tục pháp lý, còn các dự án đang hoặc chưa giải phóng mặt bằng, gần như không được quan tâm.
Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc: “Những dự án xong rồi có thể triển khai được ngay, còn những dự án chưa giải phóng mặt bằng thì vẫn còn rủi ro về thay đổi chính sách”.
Không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài, mà một số doanh nghiệp trong nước có tiềm lực kinh tế dồi dào hiện cũng đang khá quan tâm đến thị trường mua bán dự án nhà đất. Nhất là những dự án chủ đầu tư cần tiền bán gấp, thậm chí thấp dưới giá vốn. Thành phố Hà Nội được đánh giá là hoạt động chuyển nhượng thời gian tới sẽ sôi động nhất, đặc biệt là khi quy hoạch Hà Nội được công bố và trên 800 các dự án sẽ được tiếp tục triển khai. Trong bối cảnh khó tiếp cận được với nguồn vốn như hiện nay, thì chuyển nhượng dự án là điều không tránh khỏi.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV