Lấn sân bất động sản, Licogi 13 và Long Giang Land bắt đầu “hụt hơi“

Cập nhật 18/01/2017 09:37

Sức "nóng" của thị trường địa ốc năm qua kích thích nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác đứng ngồi không yên. Thay vì tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, một số doanh nghiệp đã dốc "hầu bao" vào các dự án bất động sản. Thế nhưng, không phải ai cũng được "hưởng quả ngọt".

Tham vọng đang khiến cho Licogi 13 gặp khó. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều người thu quả ngọt

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco Group) trong hai năm trở lại đây đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng là một tên tuổi gây nhiều sự chú ý khi bước chân vào lĩnh vực địa ốc.

Cách đây vài năm, Thaco gây chú ý khi lập Công ty cổ phần Đại Quang Minh và rót hàng nghìn tỷ đồng đề đầu tư vào Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm, TP.HCM. Đến nay, khu đô thị này đã bước đầu thành hình và trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng tại khu vực phía Tây TP.HCM. Dự án này được nhiều khách hàng quan tâm và có tốc độ bán hàng khá tốt.

Tương tự Thaco Group, đại gia công nghệ FPT cũng đang gây sự chú ý khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với Dự án FPT City Đà Nẵng, rộng 181 ha với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Tại dự án đầu tay này, FPT đã mạnh tay phát triển FPT City theo mô hình thiết kế xanh và thông minh. Dự án được khởi công từ năm 2012, tháng 4/2016, đã khánh thành khu công nghệ phần mềm FPT Đà Nẵng (FPT Complex), hệ thống hạ tầng cũng cơ bản hoàn thiện, nhiều khu chức năng cũng đã cơ bản định hình.

Theo ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Kinh doanh FPT City Đà Nẵng, trong năm 2016, các sản phẩm nhà phố, biệt thự của Dự án FPT City Đà Nẵng đã gây sốt trên thị trường, đặc biệt với khách hàng phía Bắc.

Ngoài Thaco Group, FPT, thị trường địa ốc thời gian vừa qua cũng ghi nhận không ít doanh nghiệp ngoài ngành cùng nhảy vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, Tâp đoàn Hoa Sen thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc để triển khai đồng loạt 4 dự án bất động sản tại một số địa phương với tổng vốn đầu tư lên tới cả ngàn tỷ đồng.

Hay như Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng có tham vọng gia tăng tỷ trọng kinh doanh từ hoạt động bất động sản bằng chủ trương đầu tư vào 3 dự án lớn tại TP.HCM, gồm 1 dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Dự án Diamond Riverside tại quận 8 (đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để tiến hành phê duyệt quy hoạch 1/500) và dự án cao tầng tại quận Bình Thạnh.

Có người hụt hơi

Theo đánh giá của các chuyên gia, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản thời gian gần đây đã kích thích nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rót tiền vào lĩnh vực này, trong đó có không ít doanh nghiệp tay ngang. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đầu tư bất động sản không dễ để có thể thành công ngay lập tức.

Việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư sẽ khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt là ở phân khúc trung và cao cấp. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian lấn sân sang bất động sản, do yếu kém tiềm lực tài chính, nên đã bắt đầu có dấu hiệu "hụt hơi".

Khoản vay mà BIDV cấp cho Long Giang Land để triển khai Dự án Rivera Park Hà Nội chỉ có thời hạn ngắn

Điển hình có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Licogi 13. Đầu năm 2016, với tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản nhằm tăng doanh thu ở mảng này, Licogi 13 đã tiến hành hàng loạt thương vụ mua bán (M&A), hợp tác, nhắm tới những doanh nghiệp đang sở hữu các quỹ để triển khai, hoặc hợp tác phát triển các dự án bất động sản có quy mô lớn. Tuy nhiên, dường như việc đầu tư quá ồ ạt vào bất động sản, mà “quên” đi hoạt động kinh doanh cốt lõi đã kéo theo sự thụt lùi về kết quả kinh doanh.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, 9 tháng năm 2016, tổng doanh thu của Licogi 13 đạt 664,24 tỷ đồng, giảm 30,72% so với cùng kỳ năm trước (958,75 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 14,18 tỷ đồng, giảm 35,83% so với cùng kỳ năm trước. Nếu muốn đạt kế hoạch năm 2016, trong quý IV/2016, LIG phải đạt lợi nhuận trước thuế lên tới hơn 70 tỷ đồng.

Không những vậy, dù thu về gần 217 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cuối quý II/2016 (chủ yếu nhờ một số nhà đầu tư “thiên thần" mua cổ phiếu “ế” với giá bằng mệnh giá, trong khi giá trên sàn cùng thời điểm dưới 7.000 đồng/cổ phiếu), nâng tổng số tiền thu được từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu lên 283,9 tỷ đồng, cùng hơn 305,8 tỷ đồng tiền đi vay, nhưng việc bị âm lưu chuyển tiền tệ hoạt động kinh doanh lên tới gần 291,04 tỷ đồng, âm lưu chuyển tiền tệ hoạt động đầu tư 9,49 tỷ đồng, khiến khoản tiền và tương đương tiền còn lại cuối quý III/2016 của doanh nhiệp này chỉ 14,5 tỷ đồng.

Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại Licogi13 đã cạn kiệt tiền để đầu tư vào các dự án bất động sản, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi là thi công cũng bị ngừng trệ.

Một doanh nghiệp tay ngang khác cũng đang gặp khó khăn khi chuyển hướng sang đầu tư bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land). Đầu năm 2016, Long Giang Land bất ngờ công bố tham gia đầu tư 2 dự án bất động sản là Rivera Park Hà Nội (số 69 Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) và Riveria Park Sài Gòn (chung cư Thành Thái, quận 10, TP HCM) với tổng mức đầu tư lên tới 2.664 tỷ đồng, vượt gấp 7,5 lần vốn chủ sở hữu hiện tại của Long Giang Land. Tuy vậy, chỉ sau vài tháng công bố, 2 dự án trên đã gặp phải nhiều trắc trở, đặc biệt là liên quan đến vấn đề huy động vốn.

Dù tiết lộ với cổ đông đã nhận được thỏa thuận với Ngân hàng BIDV về khoản vay 500 tỷ đồng để có thể hoàn thành Dự án Rivera Park Hà Nội trong trường hợp thị trường có diễn biến xấu, nhưng Long Giang Land vẫn trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu trong năm 2016 để huy động vốn cho 2 dự án này và được chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 phát hành gần 4 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1; đợt 2 phát hành 600.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) và đợt 3 dự kiến phát hành gần 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1, giá phát hành không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo tài chính quý III/2016 của Long Giang Land cho thấy, nguồn huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp đến từ việc vay nợ nhiều ngân hàng như SHB, Agribank, BIDV, OCB, Vietcombank, VietABank...

Đáng chú ý, trong năm 2016, SHB đã cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn (tối đa 12 tháng) cho Long Giang Land là 352 tỷ đồng để đầu tư Dự án Riveria Park Sài Gòn. Ngân hàng nhận tài sản đảm bảo là toàn bộ dự án này. Dư nợ đến hết tháng 9/2016 là 186,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn tín dụng của SHB chỉ đáp ứng khoảng 26% mức đầu tư dự án này, số còn lại Công ty phải tự xoay sở từ các nguồn khác và đây là áp lực không hề nhỏ.

Còn BIDV cho Long Giang Land vay vốn để thực hiện 2 dự án, trong đó dư nợ vay ngắn hạn là 192,6 tỷ đồng (theo Hợp đồng tín dụng số 01/2016/262693/HĐTD) để đầu tư Dự án Riveria Park Hà Nội và 70 tỷ đồng dư nợ vay dài hạn (thuộc hợp đồng tín dụng với hạn mức 70 tỷ đồng đã ký từ năm 2013), để mua một phần trung tâm thương mại dịch vụ 173 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Có thể thấy, vốn BIDV cho vay thấp hơn rất nhiều con số cam kết.

Điều lạ là cả hai ngân hàng chỉ ký cho vay vốn ngắn hạn, gây nên những lo lắng cho nhà đầu tư và cổ đông về việc liệu nguồn tài chính này có đảm bảo để Công ty thi công các dự án bất động sản, vốn cần nguồn vốn trung - dài hạn.

Nếu việc giật tạm ngân hàng, để triển khai dự án đến giai đoạn đủ điều kiện mở bán rồi huy động vốn từ khách hàng, thì cũng là canh bạc năm ăn năm thua. Bởi tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về số tính thanh khoản của 2 dự án này, dù Dự án Riveria Sài Gòn đã mở bán được hơn 7 tháng.         

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản