Lần đầu tiên nhà đầu tư kiến nghị cơ quan Nhà nước đấu thầu dự án cao tốc

Cập nhật 02/01/2019 14:49

Lần đầu tiên, một nhà đầu tư lên tiếng kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu thầu rộng rãi để đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm, cam kết của các bên khi thực hiện Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đáng nói, đây là nhà đầu tư “khách mời” của tỉnh Cao Bằng.

“Khách mời” yêu cầu đấu thầu dự án!

Tỉnh Cao Bằng có lợi thế đường biên giới với Trung Quốc dài 330km, hệ thống cửa khẩu dày đặc nhưng hạ tầng giao thông yếu kém, tai nạn xảy ra thường xuyên trên tuyến đường “ăn” theo vách núi đá hiểm trở. Để đảm bảo an ninh quốc phòng, tháo gỡ nút thắt để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng đã nhiều năm kêu gọi đầu tư xây dựng đường cao tốc nhưng bất thành, đến năm 2018 Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã nhận lời tham gia dự án với tư cách “khách mời”!

Theo đề nghị của tỉnh này, Đèo Cả đã kết hợp với Tư vấn nghiên cứu đề xuất điều chỉnh hướng tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng rút ngắn 29km so với quy hoạch, giảm tổng chiều dài của dự án từ 144km xuống còn 115km với 6 hầm xuyên qua núi, cầu cạn vượt thung lũng. Với phương án này, tổng mức đầu tư dự án còn khoảng 20.938 tỷ đồng - giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với nghiên cứu đề xuất trước đó của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Cùng với đó là phương án phân kỳ đầu tư hợp lý.

Hồi cuối tháng 11/2018, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với những điều chỉnh trên.

                                   
Nhà đầu tư kiến nghị đấu thầu rộng rãi cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Đèo Cả - nhà đầu tư “khách mời” đã đề xuất 2 phương án lựa chọn nhà đầu tư: Phương án 1 - lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định, tỉnh Cao Bằng sẽ cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh. Phương án 2 - lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Phía tỉnh Cao Bằng đã đồng ý để Nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án và tham gia đầu thầu chọn lựa nhà đầu tư. Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trường hợp thực hiện theo phương án chỉ định nhà đầu tư sẽ không thể hiện được trách nhiệm của hai bên và thiếu khách quan tạo tiền lệ xấu về cách nhìn của xã hội đối với việc nghiêm túc nghiên cứu của nhà đầu tư khi đã nỗ lực đưa ra các giải pháp tối ưu tiết giảm kinh phí, rút ngắn thời gian thi công, bảo vệ môi trường khi thực hiện công nghệ khoan hầm xuyên núi và bắc cầu vượt thung lũng.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều đối với các dự án thực hiện theo phương án chỉ định nhà đầu tư. Do đó, để đảm bảo việc triển khai dự án công khai, minh bạch và khuyến khích các nhà đầu tư trong nước cùng tham gia nghiên cứu các giải pháp tối ưu, Tập đoàn này đề nghị tỉnh Cao Bằng lựa chọn thực hiện dự án theo phương thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Giải pháp nào tối ưu?

Với các kiến nghị của nhà đầu tư “khách mời”, để đảm bảo tính minh bạch và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác trong nước có năng lực, kinh nghiệm tham gia nghiên cứu tìm giải pháp đầu tư tối ưu, góp phần hỗi trợ tỉnh sớm thực hiện dự án, mới đây tỉnh Cao Bằng đã có công văn đề nghị nhà đầu tư này khẩn trương thực hiện việc lập hồ sơ đề xuất dự án (bao gồm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) theo quy định của pháp luật theo hình thức đối tác công tư để tỉnh báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Công văn của Cao bằng cũng cho biết Tập đoàn Đèo Cả sẽ tham gia trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án. Trong trường hợp Tập đoàn Đèo Cả có hồ sơ đề xuất được phê duyệt nhưng không được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án thì Tập đoàn được hoàn trả các chi phí lập hồ sơ dự án theo quy định.

Theo ông Trần Phúc Tự - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - cho biết: Thời gian qua, Tập đoàn đã đề xuất với Cao Bằng giải pháp tối ưu về hướng tuyến, tiết giảm hơn hơn một nửa tổng mức đầu tư. Ông Tự cho rằng, thời cơ thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã đến khi tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị đang thực hiện những đoạn tuyến cuối cùng. Dự án sẽ được tối ưu hơn khi phân kỳ đầu tư thực hiện ở giai đoạn 1 khoảng 10 .000 tỷ VNĐ .

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những con số cụ thể hơn sau khi tiếp tục đánh giá rủi ro từ các yếu tố kỹ thuật về địa hình, địa chất, các điều kiện thi công đối với dự án này. Việc chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư không chỉ đảm bảo minh bạch mà còn để làm rõ hơn trách nhiệm cam kết của các bên khi thực hiện dự án.” - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nói.



Diaoconline.vn – Theo Báo Dân Trí