Nằm ngay giữa trung tâm TP.HCM là những khu đất được mệnh danh là đất vàng và có lúc cả trăm nhà đầu tư đã chen chân nhau để có được quyền sở hữu. Nhưng giờ đây, đa phần các khu đất này đang bị lãng quên, còn các nhà đầu tư thì tìm cách tháo chạy vì nhiều lý do khác nhau.
Dự án Lavenue Crown nằm ngay vị trí vàng của trung tâm thành phố nhưng công năng chính cho đến nay vẫn là một bãi giữ xe. Ảnh: B.C
|
Đất vàng chỉ làm bãi giữ xe
Rảo quanh một vòng trong khu vực trung tâm thành phố, không khó để nhìn thấy có rất nhiều dự án “đất vàng” đang trở thành những bãi giữ xe “vàng” trong bối cảnh khu vực trung tâm thành phố đang ngày càng quá chật hẹp.
Từ năm 2007, UBND TP.HCM đã quy hoạch 20 lô đất (khoảng 50ha) thuộc những vị trí “vàng” tại khu trung tâm thành phố để kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực. Tuy nhiên, trong tất cả những khu đất vàng đã có chủ trên, theo báo cáo mới nhất thì chỉ có 4 nhà đầu tư đã triển khai dự án hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác. Còn lại những khu đất lớn khác, nằm ở những vị trí khá đắc địa trong hơn 10 năm qua vẫn chưa khởi động. Đa số các khu đất này được chủ đầu tư cho thuê lại để làm bãi giữ xe nhằm “chờ thời cơ” tốt phát triển dự án.
Đơn cử như khu đất rộng trên 5.000m2 tại địa chỉ 27B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1). Khu đất này trước đây do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) quản lý, khai thác. Năm 1994, VNA và S.M.I. Travel Company Limited (Thái Lan) thành lập Công ty liên doanh TNHH khách sạn Hàng không Việt Nam, nhằm thực hiện hiện dự án kinh doanh khách sạn 4 sao đạt chuẩn quốc tế. Công trình triển khai ì ạch đến năm 1998 thì "trùm mền". Cuối năm 2000, S.M.I. Travel Company Limited tháo chạy và chuyển nhượng phần vốn góp lại cho VNA, chấm dứt hoạt động liên doanh.Từ đây, khu đất chủ yếu trưng dụng làm bãi kinh doanh đỗ xe. Đến nay, khu đất trên đang được Công ty IMG tham gia vốn để cải tạo và sửa chữa hiện trạng, kinh doanh cho thuê mặt bằng, bãi đỗ xe, bán cà phê trong thời gian chờ khởi động lại tổ hợp văn phòng - khách sạn - căn hộ cho thuê.
Sở hữu vị trí đắc địa, khu đất tại số 117 - 119 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 có diện tích khoảng 2.724m2, được phê duyệt xây dựng dự án BIDV Tower do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư. Theo đó, nếu xây dựng, tòa nhà này sẽ cao tới 40 tầng, nhưng dự án này đã nằm bất động hơn 8 năm và hiện đây cũng là một trong những địa điểm giữ xe “vàng” của khu vực trung tâm. Tương tự, khu đất tọa lạc mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, ngay cạnh tòa nhà Diamond Plaza sang trọng bậc nhất khu trung tâm thành phố, cũng đang là một bãi giữ xe lớn. Khu đất này là dự án Lavenue Crown do liên danh giữa Công ty CP Kinh Đô, Công ty TNHH Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM và Mayflower Investment góp vốn đầu tư. Mặc dù bên ngoài đã được quây tôn, với những hình ảnh hiển thị rất hoành tráng nhưng bên trong vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy dự án triển khai.
Miếng bánh không dễ nuốt trôi
Khu đất 164 Đồng Khởi có diện tích gần 9.800m2, giáp với các đường Nguyễn Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thuộc trung tâm quận 1, TP.HCM. Bên phải khu đất là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố và quảng trường; bên trái là công viên, Vincom Center và trụ sở UBND Thành phố. Sở dĩ gọi đây là “đất vàng”, bởi đường Đồng Khởi là con đường có giá trị bất động sản cao nhất TP.HCM. Từ năm 2009, khu “đất vàng” này đã từng thu hút gần 70 nhà đầu tư xin tham gia, trong đó có một số "đại gia" tên tuổi trong và ngoài nước.
Sau nhiều năm cân nhắc, tháng 7.2013, UBND TP.HCM đã quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với việc chỉ định liên doanh Hongkong Land và Sumitomo & Development làm nhà đầu tư thực hiện dự án này. Thế nhưng, sau gần 2 năm, mới đây, nhóm nhà đầu tư ngoại này đã quyết định xin rút lui khỏi dự án.
Theo tìm hiểu, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng chính là lý do khiến các nhà đầu tư ngoại rút lui khỏi dự án. Về phía nhà đầu tư thì muốn thành phố chốt con số chính xác liên quan đến chi phí giải phóng mặt bằng và thời gian bàn giao, nhưng thành phố chỉ đưa ra được số tiền và thời gian dự kiến, vì không thể xác định được do việc giải phóng mặt bằng còn phụ thuộc vào ý chí người dân, thành phố không thể cưỡng chế. Với nhà đầu tư thì họ cảm thấy rất khó cho các công ty nước ngoài quản lý việc tăng chi phí và trì hoãn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Siết chặt quản lý
Trước đây, khi thị trường bất động sản trong giai đoạn hoàng kim thì những khu đất "vàng" đích thực là những "mỏ vàng" cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện thị trường bất động sản ở phân khúc văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại đang bước vào thời kỳ bão hòa thì việc triển khai dự án đôi khi sẽ khiến chủ đầu tư “vàng mắt” do sản phẩm không bán được sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bài toán kinh doanh của nhà đầu tư...
Tuy nhiên, để tránh lãng phí nguồn lực và cơ hội của những nhà đầu tư khác, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo rà soát và xử lý các dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai thực hiện trên địa bàn khu trung tâm thành phố. UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng thông báo chủ đầu tư của dự án phải khẩn trương triển khai thực hiện lại dự án theo đúng nội dung giấy phép xây dựng đã cấp trong thời hạn 6 tháng (kể từ ngày ban hành thông báo này) để sớm đưa công trình vào sử dụng, đảm bảo mỹ quan đô thị khu trung tâm thành phố. Nếu quá thời hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện lại dự án, Sở Xây dựng sẽ xử lý từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định pháp luật.
Đối với dự án đã tháo dỡ hiện trạng cũ và hiện đang cho thuê kinh doanh các loại hình ăn uống, giữ xe... sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 1 và quận 3 rà soát, thu hồi các giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp, không cấp mới hoặc gia hạn giấy phép đăng ký kinh doanh tại địa điểm nêu trên. Thành phố cũng sẽ không cấp phép đầu tư mới cho chủ đầu tư các dự án nói trên khi chưa hoàn thành dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động