Làm thế nào để tránh rủi ro khi mua chung cư?

Cập nhật 06/06/2016 16:11

Trong thời gian gần đây, hàng trăm cư dân sống tại các dự án chung cư bỗng nhiên có nguy cơ bị đẩy ra đường do chủ đầu tư đã âm thầm mang dự án cầm cố ngân hàng mặc dù đã thu tiền bán căn hộ của khách hàng.

Những vụ việc này khiến người mua chung cư rất hoang mang, lo lắng vì có thể gặp phải rủi ro nếu không tìm hiểu kỹ.

Những dự án nhà chung cư khiến khách hàng điêu đứng

Vào cuối tháng 5, hàng trăm hộ dân sống tại chung cư The Harmona, đường Trương Công Định, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh do Công ty Vật tư XNK Tân Bình làm chủ đầu tư hết sức bất ngờ và lo lắng khi nhận được thông tin tòa nhà họ đang sinh sống yên ổn trong nhiều năm sẽ bị ngân hàng siết nợ, vì chủ đầu tư đã đem toàn bộ dự án cầm cố cho khoản vay hơn 240 tỷ đồng.

Chung cư The Harmona bất ngờ bị ngân hàng thông báo siết nợ làm các hộ dân điêu đứng cho đến khi báo chí và chính quyền vào cuộc.

Thậm chí, có 41 hộ dân sống tại đây phát hiện căn hộ chung cư mình bỏ tiền ra mua bị chủ đầu tư đem cầm cố đến 2 lần.

Trong khi sự việc tại chung cư The Harmona còn chưa lắng xuống thì cư dân tại 2 dự án khác cũng hết sức bất ngờ khi biết mình cũng trong tình trạng có thể bị đẩy ra đường bất kỳ lúc nào giống như những gì đang diễn ra tại The Harmona.

Cũng có sai những sai phạm giống như The Harmona, một số hộ gia đình sống tại chung cư Ruby Land tại quận Tân Phú cũng bất ngờ phát hiện ra căn hộ của mình đã được chủ đầu tư mang đi “cắm” mặc dù đã đóng 90% giá trị căn hộ.

Không bị chủ đầu tư đem đi cầm cố nhưng vì không tìm hiểu kỹ, nhiều cư dân sống tại chung cư Bảy Hiền Tower, đường Phạm Phú Thứ, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh bỗng dưng bị cắt nước, cắt điện mà không rõ nguyên nhân, thậm chí khi cư dân yêu cầu chủ đầu tư giải quyết thì được bố trí chỗ nghỉ tạm tại..khách sạn. Đi vào tìm hiểu thì được biết:

Dự án Bảy Hiền Tower do Công ty Long Hưng Phát làm chủ đầu tư. Theo chủ tịch UBND phường 11, quận Tân Bình thì dự án Bảy Hiền Tower có những sai phạm về thiết kế khi tăng diện tích so với giấy phép được duyệt lúc đầu,

Công trình chưa được nghiệm thu nhưng vẫn cho dân vào ở. Do đó, địa phương thực hiện đình chỉ thi công theo yêu cầu của Sở Xây dựng.

Tại Hà Nội, cũng có không ít các dự án mà khách hàng mua nhà khi mua xong chịu không ít cay đắng. Có người thì đóng tiền xong nhưng chủ đầu tư thì vướng vào vòng lao lý, dự án thì đình trệ nhiều năm, người thì mua phải dự án chậm tiến độ hoặc đến khi bàn giao thì hạ tầng chắp vá.

Những vụ việc tương tự như trên mặc dù nguyên nhân không giống nhau nhưng xét cho cùng, người mua nhà luôn là những người chịu thiệt thòi nhất.

Làm thế nào để tránh được rủi ro mua chung cư

Thực tế cho thấy, những hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa chủ đầu tư và khách hàng hiện này nhìn có vẻ khá chặt chẽ. Tuy nhiên, khá nhiều chủ đầu tư luôn dấu nhẹm các vấn đề pháp lý của dự án như giấy phép xây dựng, tình hình tài chính. Thậm chí, nhiều khách hàng kỹ tính còn chỉ chọn mua những dự án đã hoàn thiện, có thể vào ở ngay nhưng nhiều năm vẫn không nhận được sổ đỏ. Nguyên nhân cũng giống như trường hợp dự án The Harmona là chủ đầu tư đã mang toàn bộ dự án đi “cắm” tại ngân hàng. Chỉ khi nào chủ đầu tư tất toán toàn bộ khoản vay, người dân mới có thể được cấp sổ đỏ.

An tâm khi bỏ hàng tỉ đồng mua căn hộ chung cư

Luật sư Nguyễn Thanh Hà-Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã chia sẻ, mỗi người mua nhà cần phải thông minh và sáng suốt khi quyết định mua một ngôi nhà tương lai cho mình. Có rủi ro ắt có những biện pháp phòng ngừa, sau đây là một vài gợi ý cho người mua nhà:

Hãy là một người hiểu biết pháp luật: Luật pháp hiện nay luôn đứng về phía người mua nhà. Do đó, việc hiểu biết luật pháp sẽ giúp người mua nhà giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.

Đọc thật kỹ từng điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà và trong trường hợp cần thiết hãy nhờ đến sự trợ giúp từ những công ty tư vấn luật pháp. (xem xét kỹ các điều khoản của hợp đồng nhất là các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán, các điều khoản về thanh toán, phạt về chậm tiến độ thi công, chậm giao nhà, các điều khoản bất khả kháng..)

Tìm hiểu kỹ càng về chủ đầu tư (thương hiệu, lịch sử, tiềm lực tài chính, uy tín). Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin và chứng minh dự án đã được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Thận trọng trước những lời quảng cáo từ chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối dự án

Lưu ý tính pháp lý của dự án bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy phép thi công, biên bản hoàn thành các hạng mục đã bàn giao, giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án…


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ