Làm thế nào để người nghèo có nhà ở?

Cập nhật 28/01/2012 09:15

Tại hội nghị Tổng kết năm 2011 và Nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao chiến lược nhà ở do Bộ Xây dựng đề ra, đặc biệt là việc phát triển mảng nhà ở xã hội với chủ trương nhà nước sẽ hỗ trợ một phần

Ghi nhận với những thành tích ban đầu, như hoàn thiện 160 nghìn nhà ở cho người nghèo, 93% hệ thống đô thị ở Hà Nội, TP HCM đã hoàn thiện quy hoạch…, nhưng Thủ tướng cho rằng, vấn đề nhà ở hiện nay vẫn còn rất nhức nhối.

Đội ngũ cán bộ công nhân viên nói chung có nhu cầu về nhà ở nhưng không thể mua được. Đội ngũ sinh viên, học sinh, hay công nhân tại các khu công nghiệp cũng không có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, phải thuê và sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ...

Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ngành xây dựng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề phát triển nhà ở, đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội cho người nghèo và người thu nhập thấp.

Dù được đánh giá rất cao, nhưng chiến lược nhà ở muốn thành công, tức là người nghèo, người thu nhập thấp có nhà, theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.


Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 của ngành xây dựng. Ảnh: P.V

Rào cản cơ chế xin - cho GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong bài viết của mình đã đưa ra một thực tế là, vấn đề nan giải nhất đã được đặt ra mà vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng, đó là bằng cách nào để chuyển được các trợ giúp vật chất của nhà nước đến tận tay những người thuộc diện chính sách.

Hiện nay, chúng ta vẫn dùng cơ chế “xin – cho” thông qua chủ đầu tư dự án, đặt dưới sự kiểm tra của các cơ quan quản lý. Nghe có vẻ hợp lý về cơ chế, nhưng thực tế vẫn đang có bức xúc vì vốn cơ chế “xin – cho” dù ở dạng nào vẫn luôn gắn với nguy cơ tiêu cực.

Tại các nước thành công về giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, họ thay cơ chế “xin – cho” này bằng cơ chế có sự tham gia của chính cộng đồng những người có thu nhập thấp vào quá trình giải quyết nhà ở, tạo động lực từ trong cộng đồng, trực tiếp quyết định sử dụng phần trợ giúp của Nhà nước.

Trong quá trình thực thi Chiến lược nhà ở, hy vọng chỗ đứng của cộng đồng người có thu nhập thấp được xác lập như một chìa khóa làm giảm tiêu cực của cơ chế “xin – cho”.

Còn theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến cho nhiều dự án nhà ở xã hội bị chậm trễ hoặc không thực hiện được là do các dự án nhà xã hội cần nguồn vốn lớn và dài hạn, các thành phần kinh tế muốn tham gia đầu tư phải vay với lãi suất cao nhưng lợi nhuận thu được khi cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội lại hầu như không có, thời gian thu hồi vốn dài. Trong khi đó, hầu hết các địa phương không đủ khả năng bố trí nguồn ngân sách cho nhà ở xã hội do phải chi tiêu cho các mục đích khác như cải thiện hệ thống giao thông, cấp thoát nước, đầu tư giáo dục y tế...

Phải tôn trọng quy luật thị trường

Ông Phạm Sĩ Liêm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại chỉ ra, điều cốt yếu để quỹ nhà có thể đến đúng đối tượng là cơ chế quản lý, khai thác, vận hành. Nhà ở xã hội là sản phẩm hàng hóa được nhà nước trợ giúp nhưng nhà nước không làm thay. Đã là sản phẩm hàng hóa thì cần phải được thông qua thị trường.

Ông Liêm cho rằng, dù doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển nhà xã hội cũng cần tuân theo cơ chế thị trường, nghĩa là giá cả phải theo cơ chế thuận mua vừa bán, cung cầu không lệch nhau khiến giá cả không quá đắt hoặc quá rẻ. Đặc biệt phải luôn thông qua cơ chế cạnh tranh mới có thể điều chỉnh được giá.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường, trong giai đoạn tới chúng ta sẽ tập trung phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước) để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.

Về nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai đa dạng theo nhiều hướng như: Nhà nước đầu tư nhà ở cho thuê giá rẻ, đầu tư theo hình thức BT (Đầu tư - chuyển giao), ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hỗ trợ để người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai cải thiện nhà ở...

“Các doanh nghiệp cần xác định trách nhiệm xã hội của mình để tham gia mạnh mẽ hơn vào các chương trình phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho thuê. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các địa phương, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia cùng Nhà nước giải quyết vấn đề nhà ở”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News