Lạm phát tăng cao khiến BĐS “hụt hơi”

Cập nhật 20/05/2011 11:35

Mặc dù được xem là kênh trú ấn an toàn của dòng vốn trong bối cảnh kiểm soát giao dịch vàng và chứng khoán, xong lạm phát tăng cao đang khiến nguồn vốn đầu tư vào BĐS bị “hụt hơi”.

Hạn chế lớn nhất của thị trường BĐS là tính minh bạch.

Đầu tư BĐS có khả năng bảo toàn vốn cao

Liên tiếp trong thời gian qua, các biến động về tỷ giá và các chính sách tính dụng đẩy đầu tư trong lĩnh vực BĐS gặp nhiều khó khăn. Hồi đầu năm, sau khi tỷ giá được điều chỉnh tăng mạnh thì hàng loạt các mặt hàng khác như giá điện, xăng dầu, thực phẩm cũng lần lượt tăng theo. Tình hình lạm phát tăng cao trong bối cảnh hiện nay khiến không ít nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn, triển khai dự án chậm hoặc chào bán sản phẩm đến khách hàng gặp khó khăn. Đó là không kể tới giá BĐS đã giảm đi hoặc trữ lượng tồn đọng khá lớn.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên các chủ đầu tư BĐS rơi vào tình trạng “hụt hơi” trước những biến động vĩ mô. Trước đó, năm 2008 cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đã khiến họ phải “chạy đua” trong một thời gian dài sau đó mới phục hồi được thị trường. Và khi thị trường tiền tệ, tài chính biến động một cách khó lường như hiện nay, đòi hỏi nhà đầu tư phải tìm hướng đầu tư mới có hiệu quả cho nguồn vốn của mình.

Sau một thời gian thử nghiệm, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng, BĐS là kênh đầu tư có hệ số bảo toàn vốn cao, nhất là khi mà thị trường vàng, chứng khoán và ngoại tệ đang có xu hướng trầm lắng sau hàng loạt các chính sách, giải pháp nhằm bình ổn thị trường của Nhà nước.

“Lấy ví dụ, nếu bỏ ra 30 triệu mua một mét vuông đất trong ngõ tại khu vực Phùng – Trạm Trôi thời điểm cuối năm 2011 thì đến thời điểm này, giá mỗi mét vuông như vậy có thể bán được ít nhất là từ 32- 38 triệu. Tính ra, thì tôi vẫn lãi vài giá (vài triệu) mỗi m2 đấy chứ”, - một nhà đầu tư cá nhân cho biết.

Trong khi đó, thị trường BĐS ở Hà Nội được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền trong dân. Lượng tích trữ vàng hay ngoại tệ là không hề nhỏ. Tuy nhiên, hai thị trường này đang phải đối mặt với tình trạng lên xuống thất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như vậy, kênh để đầu tư hiện nay cho người dân là không nhiều và họ chuyển sang giữ vốn bằng cách đổ vào BĐS vẫn là một ưu tiên...

Theo thống kê của một số sàn giao dịch BĐS, thị trường tuy ảm đảm nhưng giá cả không giảm nhiều và với những phân khúc có giá bán hợp lý vẫn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Chẳng hạn như đất nền và những chung cư có vị trí thuận lợi, giá “mềm” phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân vẫn có nhiều giao dịch thành công.

Minh bạch hóa thị trường trong bối cảnh lạm phát

Trong một báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam cho thấy, nguồn cung trên thị trường BĐS hiện tương đối dồi dào bởi số lượng các dự án mới khá lớn. Tuy nhiên theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại một hội thảo diễn ra hồi đầu năm nay, một trong những hạn chế lớn nhất của thị trường BĐS Việt Nam là tính minh bạch hạn chế trong tất cả các khâu, từ đầu tư, tạo lập bất động sản đến giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê. Dẫn đến việc những người có nhu cầu nhà ở thật sự vẫn khó tiếp cận được với nhà cung cấp hoặc nếu có phải qua trung gian với mức chênh lệch cao.

Theo quy định, ít nhất 80% số lượng sản phẩm BĐS phải giao dịch qua sàn nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, động thái này gần như không thể phát huy tác dụng, khi hầu hết các sàn giao dịch lập nên chỉ để có hình thức. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, những sản phẩm BĐS được bán trên sàn chỉ chiếm khoảng 20- 30% nguồn cung của thị trường.

Thống kê cho thấy, hiện có rất nhiều sản phẩm căn hộ, đất nền được chào bán ra thị trường, nhưng những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận qua sàn chỉ chiếm khoảng 10-15%. Theo nhận định của Giám đốc một công ty BĐS, để hoàn thành thủ tục pháp lý của một dự án BĐS phải mất ít nhất từ 1- 2 năm, điều này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS.

Như vậy, nếu không kiểm soát được quy trình bán hàng tại sàn giao dịch bất BĐS thì rất khó để việc mua bán được minh bạch, rất khó để giúp được khách hàng có nhu cầu thực sự lựa chọn được những sản phẩm tối ưu nhất, giá cả phù hợp nhất.

Khâu quản lý hiện nay còn lỏng lẻo khiến trách nhiệm của các chủ đầu tư phải công bố dự án vẫn được thả nổi. Trong khi đó, để tối đa hóa lợi nhuận của mình, hầu hết những thông tin về các dự án BĐS đều được các doanh nghiệp ém chặt, điều này dẫn tới tình trạng giao dịch ngầm các sản phẩm BĐS theo kiểu trao tay diễn ra ngày một lớn. Những người có nhu cầu thực sự về nhà ở rất khó để tiếp cận trực tiếp được với chủ đầu tư để có được những thông tin chính xác nhất về dự án.

Một thực tế là, các giao dịch BĐS tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là giao dịch thỏa thuận ngầm với nhau, chính vì thế việc thống kê và đánh giá tiềm năng của thị trường là không dễ dàng. Các sàn giao dịch BĐS hiện nay chỉ phản ánh một phần rất nhỏ của thị trường và nó không mang tính điển hình. Các dự án được mua đi bán lại khi thông tin vẫn chưa được nắm vững đã nâng cao rủi ro khi hoạt động trong lĩnh vực này. Việc phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin khác nhau khiến lòng tin của người dân với chủ đầu tư và các thông tin của thị trường đang giảm đi.

Cũng chính vì vậy mà việc khách hàng phải qua nhiều cầu trung gian mới mua được sản phẩm đang khiến người dân có nhu cầu thực sự và nhà đầu tư không chuyên nghiệp gặp nhiều rủi ro.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn