Lắm chiêu cao ốc “né” quy hoạch

Cập nhật 28/03/2017 08:54

Hàng trăm tuyến đường của Hà Nội nhỏ như ngõ ngách nhưng cao ốc vẫn đua nhau mọc lên dẫn tới ùn tắc liên miên, hạ tầng quá tải. Tuy nhiên, trả lời về các đồ án, dự án quy hoạch này, cơ quan chức năng đều khẳng định “phù hợp với các chỉ tiêu cho phép”!

Đường Nguyễn Tuân chưa biết bao giờ mở rộng nhưng đã có 6 dự án nhà cao tầng

Vạn căn hộ đè lên phố nhỏ

Chúng tôi có mặt tại tuyến đường Nguyễn Tuân nối từ đường Lê Văn Lương kéo dài đến đường Nguyễn Trãi và không khỏi bất ngờ trước mật độ nhà cao ốc tại đây. Gọi là đường phố nhưng tại đây mặt cắt ngang chỉ từ 9-13 mét kể cả vỉa hè, nhiều nơi bị hàng quán, biển quảng cáo lấn chiếm nên càng chật chội. Điều đáng nói nhất tại đây đó là chiều dài tuyến phố chỉ chưa đầy 700 mét nhưng có tới 6 dự án cao ốc đang triển khai khẩn trương.

Điển hình như dự án Imperia garden do Công ty CP HBI làm chủ đầu tư có tới 4 toà tháp căn hộ cao từ 27 đến 35 tầng với hơn 1500 căn hộ đang chuẩn bị bàn giao. Ngoài ra, còn dự án The Legend với 2 toà nhà cao 28 tầng đang hoàn thiện; dự án Goldseason có 3 toà nhà với khoảng 600 căn hộ; dự án của Công ty Thống nhất Bắc Việt tại 82 Nguyễn Tuân. Ngay sát với tuyến đường Nguyễn Tuân là tuyến đường Nguyễn Huy Tưởng cũng cùng chung số phận khi trên con phố nhỏ này cũng có tới 6 dự án cao ốc với hàng ngàn căn hộ đang chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, hầu hết các nhà máy của nhà nước trước đây trên địa bàn phường đều chuyển sang làm căn hộ để bán. Do tình trạng bùng phát các toà cao ốc căn hộ trên địa bàn phường nếu tính cả những dự án sẽ triển khai trong một vài năm tới thì số dân của phường sẽ gấp 2 lần hiện nay, khoảng hơn 4 vạn dân!  Do lượng dân cư tăng đột biến nên hạ tầng đều đã quá tải, nhiều điểm ngẽn giao thông, thoát nước không đáp ứng yêu cầu.

Tại các phường như Nhân Chính, Thượng Đình (Thanh Xuân), Minh Khai (Hai Bà Trưng), Láng Hạ (Đống Đa), Dịch Vọng (Cầu Giấy)…cũng đang xảy ra tình trạng tương tự.

Vị đại diện lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Trung cho hay, điều bất hợp lý nhất trong triển khai cả chục dự án nhà cao tầng trên địa bàn phường đó là cấp phép làm nhà mà lại “quên” xây đường. Hàng loạt tuyến đường sập xệ bé nhỏ oằn mình cõng nhiều dự án khủng. “Quy hoạch mở rộng tuyến đường Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng có từ chục năm trước nhưng đến nay tôi cũng không biết khi nào triển khai”, đại diện UBND phường Thanh Xuân Trung khẳng định. Thực tế, trong quyết định phê duyệt hàng loạt các dự án cao ốc tại đây cơ quan chức năng đều lấy con đường trong quy hoạch tương lai để chứng minh cho các tiêu chuẩn hạ tầng cân đối cho dự án là phù hợp! Trong khi đó, thực tế nhà thì mọc lên ầm ầm nhưng đường thì vẫn chỉ là những dự án treo chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực.

Nhà cao tầng mọc như “rừng” hai bên đường Lê Văn Lương

Nhiều khe hở

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ nguyên lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: Thực tế thẩm định các dự án cho thấy cơ quan chức năng cần tỉnh táo với nhiều chiêu “lách” quy hoạch của nhà đầu tư. Lo ngại nhất của các chủ đầu tư dự án đó là khả năng cân đối hạ tầng. Vì vậy chủ đầu tư thường tìm cách giảm số dân theo hướng tăng diện tích xây dựng trên đầu người.

“Điều bất ngờ là nhiều dự án tại trung tâm đất chật người đông nhưng thường trình phương án diện tích sàn trên đầu người rất lý tưởng, thậm chí vượt so với tiêu chuẩn nhiều. Tôi ví dụ nhà đầu tư trình bầy phương án diện tích sàn xây dựng là 30, thậm chí 50m2/đầu người thì thực tế khi đưa vào sử dụng ai có thể khống chế căn hộ này chỉ ở được bao nhiêu người? Khi đó ở bao nhiêu người là do chủ sở hữu căn hộ quyết định chứ không phải cơ quan chức năng. Đây là chiêu lách luật rất phổ biến của nhà đầu tư”, vị chuyên gia cho hay.

Một thực tế khác có lẽ không nhiều người biết, khi mà quy chế kiểm soát nhà cao tầng trong 4 quận nội đô lịch sử ngày càng bị dư luận “soi” nhiều hơn thì một số chủ đầu tư đã nghĩ ra kiểu cam kết chỉ bán nhà cho người có hộ khẩu trong 4 quận nội đô (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) để chứng minh rằng dự án không làm tăng dân cư với khu vực hạn chế phát triển. Tuy nhiên, thực tế không có cơ quan nào kiểm soát các cam kết này và chủ đầu tư vẫn thoải mái bán nhà cho người có hộ khẩu tại nhiều địa phương khác nhau.

Xin lấy dự án 8B Lê Trực làm ví dụ. Tại văn bản số 3546 do một vị Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội ký ngày 24/10/2013 chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ có đoạn: “Để đảm bảo định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, hạn chế tăng dân cư tại khu vực nội đô lịch sử, phần căn hộ để bán chỉ dành cho các đối tượng nội thành thuộc 04 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, chủ đầu tư đã cam kết tại công văn số 399/CVDA ngày 21/10/2013).

Thực tế, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong thì tại đây người thuộc các quận huyện, địa phương khác cũng vẫn mua bán thoải mái và trong hợp đồng mua bán căn hộ không có hạn chế nào về hộ khẩu như cam kết nêu trên!

Một điều ít người biết đó là trong bản thoả thuận quy hoạch của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đối với dự án 8B Lê Trực có kèm theo cam kết của chủ đầu tư sẽ chỉ bán nhà cho người có hộ khẩu tại 4 quận trung tâm nhằm tránh tăng mật độ dân cư. Tuy nhiên thực tế tại đây, không có bất cứ cơ quan nào kiểm soát hộ khẩu của người mua nhà!


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong