Làm ấm từng phần của phân khúc thị trường

Cập nhật 17/09/2013 09:39

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, UBND TP.HCM đã nghiên cứu, triển khai các chủ trương chính sách bằng những hành động cụ thể. Để hiểu rõ hơn những việc làm này, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM xung quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.


* Thưa ông, thời gian qua thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nghị quyết 02 của Chính phủ, xin ông cho biết những hành động cụ thể đó như thế nào?

 Quan điểm của TP.HCM là tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo lộ trình “làm ấm” từng phần dựa vào đặc thù của phân khúc thị trường, nhằm tạo sự tác động lan tỏa và tích cực đến nền kinh tế, chứ không thể làm “tan băng” ngay thị trường BĐS trong năm 2013.

Việc này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường tự tái cơ cấu. Đồng thời Nhà nước thực hiện vai trò quản lý và điều tiết cung – cầu, hướng tới sự lành mạnh hóa hoạt động của thị trường BĐS trong tương lai.

Trên tinh thần đó, Sở đã nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương chính sách nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà theo hướng: Chuyển đổi từ nhà ở thương mại (NƠTM) sang nhà ở xã hội (NƠXH) nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.

Khi được UBND TP chấp thuận cho phép chuyển đổi, Sở Xây dựng cùng với các sở, ngành sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong triển khai dự án, bảo đảm tính khả thi của các dự án này, tránh hiện tượng chuyển từ dạng tồn kho này sang tồn kho khác.

Đây là giải pháp mang tính đột phá của TP, vừa giải quyết được hàng tồn kho cho thị trường BĐS vừa có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề NƠXH cho người dân đang có nhu cầu về nhà ở.

Điều chỉnh cơ cấu căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ hoặc chuyển đổi công năng dự án nhà ở sang công trình dịch vụ đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Thông tư 02/2013 của Bộ Xây dựng.

Riêng các dự án NƠTM đang thi công, chưa hoàn thiện hoặc đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa khởi công thì chỉ áp dụng điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi công năng sang công trình dịch vụ đối với các dự án không thuộc khu trung tâm hiện hữu TP (930ha).

Đẩy mạnh phát triển NƠXH cùng với kết nối đối tượng thu nhập thấp - doanh nghiệp - ngân hàng cho vay ưu đãi theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Chủ đầu tư đăng ký với Sở Xây dựng quỹ NƠTM đang tồn kho có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đ/m2 để công bố cho các đối tượng đủ điều kiện vay vốn thuê, thuê mua và mua nhà theo quy định.

* Vậy những kết quả mà TP.HCM đã đạt được trong thời gian qua là gì, thưa ông?

Kết quả bước đầu triển khai có nhiều khả quan, tác động tích cực đến thị trường BĐS TP. Số lượng căn hộ tồn kho giảm từ 14.900 căn còn 12.447 căn. Giao dịch trên thị trường đã có tín hiệu tốt, nhất là đối với các dự án đã hoàn thiện, các dự án có giá cả hợp lý, vị trí thuận lợi, tiến độ xây dựng nhanh và lịch thanh toán hấp dẫn.

Cơ cấu nguồn cung hàng hóa BĐS nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, niềm tin vào thị trường đang dần được phục hồi. Nhiều người dân quan tâm đến gói hỗ trợ cho vay của Chính phủ để mua, thuê, thuê mua NƠXH và NƠTM có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đ/m2. Diễn biến tình hình thời gian gần đây cho thấy phân khúc nhà ở có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và có nhiều giao dịch thành công hơn trước.

Chung cư 241/1/25C Nguyễn Văn Luông Q.6, TP.HCM.

6 tháng đầu năm 2013, TP đã tiêu thụ được 2.043/14.490 căn hộ chiếm tỉ lệ 14% so với tổng số tồn kho cuối năm 2012 và phấn đấu đến cuối năm tiêu thụ thêm từ 30 - 40% số căn hộ tồn kho.

Bên cạnh đó, TP cũng đang tích cực xem xét giải quyết những vấn đề về chính sách và lãi suất để có thêm nhiều người được tiếp cận nhà ở đối với 4 dự án hoàn thành trong năm 2013 như: Chung cư 241/1/25C Nguyễn Văn Luông Q.6, chung cư 19/19 Lạc Long Quân Q.Tân Bình, chung cư 171A Hoàng Hoa Thám Q.Tân Bình và chung cư 26 Nguyễn Thượng Hiền Q.Gò Vấp.

* Trong quá trình triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ, Thông tư 07 của Bộ Xây dựng, Thông tư 11 của Ngân hàng nhà nước, trên địa bàn TP.HCM gặp những khó khăn gì?

Mặc dù bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng nhìn chung thị trường BĐS TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn, bên cạnh những dự án có kết quả bán hàng tốt, vẫn có không ít dự án dù được chủ đầu tư giảm giá, khuyến mãi, nhưng vẫn không bán được hàng.

Thị trường BĐS đang dần phục hồi, nhưng có sự phân hóa rõ ràng. Về cơ bản, giá của nhiều dự án đã giảm khá sâu, thậm chí có nhiều dự án đã bán lỗ, tuy nhiên, do thiếu niềm tin, nên người tiêu dùng còn e ngại. Vì vậy, để bán được sản phẩm trong giai đoạn này thì uy tín, năng lực tài chính của chủ đầu tư, doanh nghiệp phân phối được xem là yếu tố quyết định.

Bên cạnh đó, phần lớn các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng do vì thiếu vốn đầu tư và thị trường đóng băng, thanh khoản kém. Ngoài ra, số lượng khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ nhà ở với ngân hàng còn ít, mức độ giải ngân chưa cao, phụ thuộc vào tiến độ thi công của công trình nhà ở.

* Để tạo điều kiện hơn nữa trong quá trình tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ông có đề xuất gì đối với các bộ, ngành Trung ương?

 Nghị quyết 02 của Chính phủ đã bước đầu tác động tích cực đến thị trường BĐS, đặc biệt là NƠXH. Tuy nhiên, NƠXH hiện nay còn khá nhỏ so với thực tế phát triển về cả quy mô và số lượng hàng hóa sẵn có.

Vì vậy mức độ tác động tích cực từ thị trường NƠXH đến toàn bộ thị trường BĐS vẫn còn hạn chế. Do đó chúng tôi mong muốn các bộ, ngành Trung ương cần xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ mua nhà ở không phân biệt theo đối tượng chính sách và ngoài chính sách mà thay thế bằng đối tượng thực sự có nhu cầu mà đang khó khăn về nhà ở.

Miễn 100% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư kinh doanh NƠXH hoặc chuyển NƠTM thành NƠXH để tạo thanh khoản, kích thích thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Việc điều tiết 20% quỹ đất ở để xây dựng NƠXH có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như chủ đầu tư dành quỹ đất tại dự án, hoán đổi diện tích đất ở tương ứng tại các dự án khác...

Cho phép chủ đầu tư dự án NƠXH, được sử dụng quyền sử dụng đất của dự án để thế chấp hoặc sử dụng chính dự án (tài sản hình thành trong tương lai) để thế chấp vay vốn đầu tư xây dựng; Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu theo hướng không áp dụng hệ số rủi ro 250% đối với cho vay NƠXH, nhà ở thu nhập thấp khi tính tỷ lệ an toàn vốn để các tổ chức tín dụng có thể mạnh dạn đẩy mạnh cho vay gói hỗ trợ NƠXH, nhà ở thu nhập thấp.

Xin cám ơn ông!

DiaOcOnline.vn -Theo Báo Xây dựng