Lại thúc đẩy gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 11/06/2014 15:13

Sau hơn một năm triển khai, gói hỗ trợ 30.000 tỷ giải cứu thị trường bất động sản đã giải ngân được 13,2%. Lần này, Bộ xây dựng chủ trương thúc nhanh hơn giải ngân nhằm mục tiêu an sinh xã hội.

Gói 30.000 tỷ đã giải ngân được 13,2%

Theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP, gói tín dụng 30.000 tỷ ra đời nhằm mục đích hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội.

Thực tế sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp. Do tình hình thị trường có chuyển biến tốt nên một số dự án nhà ở tạm ngừng trước đây thì hiện nay đang được triển khai trở lại và tiếp tục mở bán. Nguồn cung hàng hóa nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay khá lớn và đa dạng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; có nhiều sản phẩm nhà ở đã xây xong, sẵn sàng bàn giao cho người mua.


Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay ước tính có khoảng 4000 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2013. Tại TP Hồ Chí Minh tình hình giao dịch cũng khả quan hơn, các giao dịch thành công chủ yếu loại căn hộ dưới 15 triệu/m2.

Tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 đã giảm 45.029 tỷ đồng( trên 35%) so với quý I năm 2013, trong đó Hà Nội giảm 36% (so với quý I/2013) và TP Hồ Chí Minh giảm 45%.

Như vậy gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong 5 tháng đầu năm 2014. Nếu như tại thời điểm 31/12/2013 tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỷ, thì đến thời điểm 31/5/2014 tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn.

Triển khai mạnh gói giải ngân

Vấn đề lớn khiến người dân vẫn ngại ngần tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đó là lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này; Thời hạn hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ

Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện các giải pháp như sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội… Vừa qua, với việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đã tạo điều kiện tối đa để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 22/TTr-BXD về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất: Kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Sắp tới đây Bộ Xây dựng phối hợp Ngân hàng Nhà nước sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ này nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân. Hiện Chính phủ đã giao Bộ xây dựng xây dựng cơ chế tài chính lâu dài cho người thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà xã hội.

Đẩy mạnh nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp

Chủ trương phát triển nhà ở xã hội đã nhận được được sự đồng thuận cao của các tổ chức, cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương cũng như các tầng lớp dân cư trong xã hội. Nhu cầu về nhà ở xã hội tại các đô thị còn rất lớn.

Theo Chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2015, phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị (chủ yếu là nhà căn hộ chung cư); 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở; Đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Tính đến hết tháng 4/2014, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án xã hội, trong đó có 35 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 18.950 căn hộ; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ.

Hiện 129 dự án nhà ở xã hội vẫn đang tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên hiện nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu còn rất lớn, việc triển khai các dự án còn chậm.

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại để đáp ứng nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô nhỏ cho đại bộ phận người dân có thu nhập thấp.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet