UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản 1758/UBND-ĐT xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường trước năm 2005. Dư luận hy vọng với những chế tài đủ mạnh cùng tinh thần quyết tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại trên địa bàn Thủ đô nhiều năm qua sẽ sớm được “xóa sổ”.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có 132 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại từ trước ngày 15-3-2005 (trước khi Luật Xây dựng ra đời), hầu hết đều nằm ngoài chỉ giới mở đường. Trong số này, nhiều công trình “tọa lạc” ở những vị trí "đất vàng” thuộc các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông... Hầu hết các hộ dân tại đây đã xây dựng và sinh sống ổn định trong nhiều năm, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi xử lý. Để giải quyết tình trạng trên, Sở Xây dựng đã tham mưu cho thành phố các phương án xử lý với từng nhóm đối tượng nhà, đất siêu mỏng, siêu méo. Cụ thể, với những công trình có diện tích từ 10 đến 15m2 trên cùng tuyến đường, phố sẽ ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề hoặc cấp phép xây dựng có điều kiện; với diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2 cho chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng nhà 1 tầng; nhà có diện tích trên 4m2, nhỏ hơn 10m2 chỉ được cấp phép xây dựng 1 tầng. Riêng nhà có diện tích dưới 4m2 sẽ kiên quyết thu hồi phục vụ mục đích công cộng.
Phương án là vậy, song, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn không dễ dàng. Bởi lẽ, sau khi giải phóng mặt bằng, giá đất tại các tuyến đường, phố mới mở đều tăng giá gấp hàng chục lần những ngôi nhà trong ngõ trước đây. Các hộ dân vì lợi ích của mình không thể tìm được tiếng nói chung trong quá trình thỏa thuận, hầu hết đều quay sang ép giá nhau. Câu chuyện bức tường 1,7m2 được rao bán 1 tỷ đồng sau khi giải phóng mặt bằng đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) là một ví dụ.
Đáng lo ngại là, trong khi những công trình siêu mỏng, siêu méo tồn đọng chưa được xử lý, thì trên nhiều tuyến đường, những ngôi nhà dạng này vẫn tiếp tục mọc lên. Điển hình là căn nhà “siêu nhỏ” nằm lọt giữa hai số nhà 52 và 52P phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm); căn nhà số 129 Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng); và hàng loạt ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nằm rải rác dọc tuyến đường Võ Chí Công (thuộc hai quận Cầu Giấy và Tây Hồ)…
Bên cạnh những giải pháp cụ thể đã đề xuất, để giải quyết tận gốc tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo… cần có một quy hoạch dài hạn cho từng khu vực, thay vì quy hoạch từng tuyến đường, ngõ phố như hiện tại. Đã đến lúc cần "triệt tiêu" những công trình phản cảm này, vì mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại.