Sau 5 năm chuyển từ quận, huyện về Sở Xây dựng TP.HCM, lực lượng thanh tra xây dựng giờ lại được đề xuất “trả về” các địa phương nhằm thuận tiện trong công tác kiểm tra sai phạm.
Việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xây dựng không phép hiện nay được đánh giá là chưa triệt để. ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Mỗi lần phát hiện vi phạm, nếu ở địa phương quản lý sẽ có kết luận và xử lý liền. Nhưng hiện nay phải đợi ý kiến của TTXD, trong khi việc xây dựng không phép, sai phép diễn biến phức tạp, rất nhanh và diễn ra mỗi ngày Ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Thủ Đức |
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thừa nhận khi đưa lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) về Sở giúp việc thực hiện nhiệm vụ đồng bộ, chặt chẽ, chuyên nghiệp, anh em thanh tra cũng được nâng cao trình độ. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp kiểm tra với UBND các quận, huyện lại gặp nhiều khó khăn.
Bình quân 1 năm trên toàn TP ban hành 55.000 - 60.000 giấy phép xây dựng, trong đó Sở chỉ ban hành từ 250 - 300 giấy phép. Phần lớn giấy phép thuộc về các quận, huyện nhưng lực lượng quản lý trật tự đô thị các quận, huyện thường chỉ tập trung vào việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà không thường xuyên kiểm tra công trình xây dựng.
Do đó, việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xây dựng không phép chưa triệt để. “Về nguyên tắc cơ quan nào ban hành giấy phép xây dựng cơ quan đó phải quản lý hoạt động sau cấp giấy phép. Việc chuyển biên chế TTXD về các quận huyện vừa giúp tinh giản bộ máy quá cồng kềnh của Sở, vừa giúp quận, huyện chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra”, ông Tuấn nói.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng đã trình UBND TP đề án thí điểm thành lập Đội trật tự đô thị, xây dựng thuộc quản lý của các quận huyện theo phương án Sở giữ lại 93 thanh tra viên (tương đương 15%), còn lại 918 biên chế trở về nhập vào các quận, huyện. Sở xây dựng quản lý về nghiệp vụ chuyên môn, quản lý công chức, còn các hoạt động sinh hoạt Đảng, đoàn thể thuộc địa phương.
Cần xử lý đồng bộ
Ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Thủ Đức, cho biết hiện nay ở quận huyện lực lượng này rất mỏng, UBND phường chỉ có 1 - 2 người quản lý trật tự xây dựng lo hết cả về kiểm tra, xử phạt xây dựng không phép. Nên nếu đưa TTXD về địa phương sẽ tăng nhân lực, hỗ trợ cho địa phương quản lý trật tự đô thị, xây dựng sẽ tốt hơn.
“Mỗi lần phát hiện vi phạm, nếu ở địa phương quản lý sẽ có kết luận và xử lý liền. Nhưng hiện nay phải đợi ý kiến của TTXD, trong khi việc xây dựng không phép, sai phép diễn biến phức tạp, rất nhanh và diễn ra mỗi ngày. Nếu quy về một mối, mọi việc sẽ được xử lý nhanh. Ngay cả việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân cũng nhanh và dễ dàng hơn. Đồng thời đưa TTXD về quận, huyện sẽ có cơ sở và ràng buộc, xử lý công việc kịp thời, địa phương có thêm lực lượng để thực thi nhiệm vụ”, vị này phân tích.
Ủng hộ đưa lực lượng này về các địa phương, PGS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng nếu Sở Xây dựng “ôm” hết thì con số phải lên khoảng 1.500 - 1.800 người, không thể quản nổi. Nên phân cấp về quận huyện, Sở Xây dựng chỉ quản về chuyên môn. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng mấu chốt không phải là việc đưa TTXD về Sở hay địa phương mà hiện nay quy định về xử lý công trình vi phạm, viên chức TTXD vi phạm không đủ sức răn đe, dẫn đến công trình xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan, có sự tiếp tay, ngó lơ hoặc móc ngoặc của TTXD. Do đó, muốn chỉnh đốn lại tận gốc vấn đề vi phạm xây dựng thì cần xử phạt nghiêm cả chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát, thiết kế và cả TTXD.