La liệt biệt thự bỏ hoang do tích trữ, đầu cơ

Cập nhật 15/05/2011 09:30

Qua kiểm tra việc sử dụng nhà ở tại 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, chỉ có 58% biệt thự được sử dụng. Cần có chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị.

Đây là số liệu mới nhất được Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, việc còn nhiều nhà liền kề, biệt thự chưa đưa vào sử dụng là do nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ lớn và do hiện tượng đầu cơ.

Còn gần 50% biệt thự vẫn bỏ hoang. Ảnh: T.Kiên.

Do hạ tầng không đồng bộ


Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 2,500 dự án đang được triển khai và hàng trăm dự án được khởi công mới. Trong đó, Hà Nội có khoảng trên 800 dự án (75,189 ha) và trên 50 dự án được triển khai tiếp do trước đó phải tạm dừng chờ quy hoạch. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy tại nhiều dự án, tỷ lệ nhà ở đưa vào sử dụng đạt thấp, đặc biệt là các nhà ở loại biệt thự, nhà liền kề, chủ yếu tại các dự án có vị trí xa trung tâm hoặc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ. Cụ thể, trong khi các căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%, thì tỷ lệ nhà ở liên kề đưa vào sử dụng đạt 80% và biệt thự đưa vào sử dụng chỉ đạt 58%.

Theo Bộ Xây dựng, việc còn nhiều nhà chưa đưa vào khai thác sử dụng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do cơ cấu nhà ở trong các dự án chưa hợp lý, nhiều dự án nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ lớn, trong khi chung cư cao tầng có tỷ lệ thấp; phần lớn các dự án thiếu các công trình thiết yếu như trường học, nhà trẻ, chợ... hoặc không được kết nối với hạ tầng chung của đô thị, giao thông đi lại khó khăn. Ngoài ra còn do hiện tượng đầu cơ, tích trữ; do thiếu sự kiểm tra hoặc không kiên quyết trong xử lý của các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý các cấp đối với các trường hợp chậm tiến độ; phương thức triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô.

Sớm xóa bỏ hình thức phân lô, bán nền

Cũng theo Bộ xây dựng, tình trạng các dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền hoặc bán nhà xây thô dẫn đến có nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ, không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch. Tình trạng này không phải chỉ xảy ra trên địa bàn Hà Nội, mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng cho rằng cần sớm xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng. Đồng thời cần phải sớm xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ qua đô thị; kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật, nhằm sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên.

Chấm dứt sử dụng tiền mặt trong giao dịch BĐS

Để chấn chỉnh thị trường bất động sản, kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản nhằm chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây “sốc”, làm đóng băng thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch bất động sản, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt