Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ký ngày 26/6/2015, dù phải tới ngày 1/9/2015 mới chính thức có hiệu lực, nhưng những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán hơn 10 ngày qua cho thấy, sự hứng khởi của nhà đầu tư là rất lớn đối với văn bản pháp lý này.
Dòng vốn nước ngoài sẽ được mở van, tăng sức cầu cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới
|
Nếu ngày 26/6, chỉ số VN-Index tại sàn TP.HCM chỉ ở mức 581,25 điểm, thì các phiên sau đó đã tăng với tốc độ khá nhanh và đến hết phiên 7/7, VN-Index đã vượt mốc 630 điểm, đóng cửa ở 630,27 điểm. Mặc dù thị trường sau đó có sự điều chỉnh, giảm xuống 623,17 điểm vào phiên 8/7, nhưng khả năng phục hồi vẫn hoàn toàn có thể diễn ra trong các phiên tiếp theo.
Tác động tích cực từ sau khi Nghị định 60 được ban hành cũng không có gì khó hiểu, bởi nhiều nội dung mới trong văn bản này đã được giới đầu tư mong chờ từ khá lâu.
Cụ thể, Nghị định có 24 nội dung sửa đổi, bổ sung. Trong đó, có 3 nội dung đáng lưu ý là nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, rút ngắn thời gian doanh nghiệp sau cổ phần hóa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, niêm yết.
Đây đều là những nội dung then chốt có tính quyết định đến dòng tiền và nguồn cung hàng trên thị trường. Theo đó, với việc nới room đối với cổ phiếu và không hạn chế đầu tư trái phiếu, dòng vốn nước ngoài sẽ được mở van, tăng sức cầu cho thị trường. Trong khi đó, quy định rút ngắn thời gian doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch sẽ tạo sức hút cho các đợt đấu giá, nhà đầu tư tham gia đấu giá trong các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ không phải chờ đợi quá lâu từ khi đấu giá cho đến khi cổ phiếu được đăng ký giao dịch, niêm yết.
Đánh giá về quy định liên quan đến việc mở room trong Nghị định 60, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, thực tế, xu hướng từ trước đến nay trên HOSE, về cơ bản, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào nhiều hơn bán ra. “Quy định mới mở rộng room có thể còn có tác động giúp quy mô giao dịch của khối ngoại tiếp tục mở rộng hơn”, bà Đào nhận định.
Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán BIDV, động thái của khối ngoại là yếu tố dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm 2015 và các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục sẽ là yếu tố tiếp lửa cho thị trường trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 1.081 tỷ đồng trên HOSE và 442 tỷ đồng trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tính đến hết tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3 tháng liên tục, sau khi bán ròng trong tháng 3/2015.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà quan sát cho rằng, dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường ít nhất trong nửa đầu tháng 7. Cơ hội giao dịch vì thế sẽ tiếp tục xuất hiện, dù VN-Index đang ở mức cao. Nhóm cổ phiếu lớn được kỳ vọng tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt và lôi kéo các nhóm cổ phiếu còn lại.
Tuy nhiên, theo các quy định mới tại Nghị định 60, cơ hội hút thêm vốn ngoại không phải sẽ chia đều cho tất cả các doanh nghiệp. Chẳng hạn, văn bản mới cũng quy định đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%. Ngoài ra, trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Với những nội dung trên, khi Nghị định 60 có hiệu lực, sẽ vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn bị giới hạn bởi room đối với nhà đầu tư nước ngoài.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư