Kỳ 3: Kinh nghiệm của Singapore

Cập nhật 05/09/2010 14:30

Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới có mô hình thành công trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho nhân dân. Ngay từ những năm đầu, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nhu cầu xây dựng nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là dân nghèo sống trong các mui thuyền, nhà tạm ở các khu làng chài, các khu chung cư xuống cấp, không có các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục… Bắt đầu từ năm 1960, Chính phủ bắt tay thực hiện chính sách mọi người đều phải có nhà ở.

Quá trình phát triển nhà ở của Singapore có thể chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (năm 1960-1970): Xây dựng các khu chung cư thu nhập thấp chỉ đủ để bố trí các phòng ở; mỗi căn hộ chỉ khoảng 50m2 đến 60m2 bố trí cho các hộ thu nhập thấp chưa có nhà ở.

Thời gian đầu, để tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành, thang máy các chung cư được thiết kế 3 tầng mới có một điểm dừng; những năm sau khi thu nhập của người dân tăng lên thì hệ thống thang máy mới được cải tạo để dừng ở từng tầng. Các căn hộ ban đầu cũng thiết kế diện tích nhỏ, ít phòng ở nhằm phù hợp với sức mua, sau đó do nhu cầu ở và thu nhập tăng lên, các căn hộ được cải tạo nâng cấp mở rộng theo nhu cầu.

Giai đoạn 2 (năm 1971-1980): Xây dựng bổ sung cho nhu cầu ở do tăng dân số, diện tích các căn hộ được nâng dần lên khoảng 70m2 và căn hộ có nhiều phòng (2-3 phòng).

Giai đoạn 3 (năm 1981-1991):
Xây dựng thêm các chung cư và chú trọng đến cảnh quan, môi trường cây xanh trong các khu chung cư; cải tạo một số khu chung cư cũ cho phù hợp yêu cầu sử dụng ngày càng cao. - Giai đoạn sau năm 1991 đến nay, quy hoạch phát triển thêm nhiều khu ở mới, nhằm phân tán và cân bằng mật độ dân số, thuận lợi cho giao thông đi lại. Việc xây dựng các chung cư giai đoạn này phần lớn được thực hiện theo đơn đặt hàng.

Người dân muốn được sở hữu căn hộ do Nhà nước cung cấp, phải thực hiện đóng góp quỹ để dành tiền mua nhà, số tiền người dân đóng góp quỹ được trừ dần vào tiền mua nhà trả góp, thời gian trả góp lâu nhất là 25 năm. Cơ quan quản lý quỹ và tổ chức xây dựng nhà ở cho nhân dân và tổ chức bán nhà trả góp cho người dân. Người có thu nhập thấp được ưu tiên mua trước và thông qua các hình thức bốc thăm, người dân được mua căn hộ chỉ được sở hữu không quá 90 năm. Sau thời hạn này, Chính phủ sẽ thu hồi không bồi thường để xây dựng lại chung cư mới, người dân sẽ được ưu tiên mua lại căn hộ trong chung cư mới trước khi hết quyền sở hữu nhà ở tại chung cư cũ. Việc bán có thời hạn là nhằm hạn chế tranh chấp về sau và thuận lợi cho việc xây dựng lại đồng bộ các khu chung cư.

Từ một nước đại đa số người dân sống trong các khu ổ chuột, khu định cư lụp xụp, nhếch nhác, đến nay 91% người dân Singapore sở hữu nhà, trong đó có tới 83% người dân được sở hữu nhà ở giá thấp. Singapore và Hongkong là hai đất nước nổi tiếng ở châu Á về việc phát triển và giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội cho người dân. Để có được kết quả này, từ những năm 1960, Singapore đã thiết lập những định chế rất quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển nhà ở giá thấp.


Hình ảnh đô thị Singapore

Tại Singapore, các tổ chức tư nhân tham gia vào xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của nhà nước và các thủ tục hành chính rõ ràng và được thực hiện nhanh chóng. Để đẩy mạnh các dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, vấn đề quỹ đất cũng đang là khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, kích cầu thông qua việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang được Chính phủ rất quan tâm. Vì vậy, tham khảo kinh nghiệm thành công từ những nước lân cận để đẩy mạnh mảng đầu tư này sẽ rất hữu ích.

>>Kỳ 1: Kinh nghiệm của Pháp
>>Kỳ 2: Kinh nghiệm của Trung Quốc
>>Kỳ 4: Kinh nghiệm của Nga
>>Kỳ 5: Kinh nghiệm của Mỹ

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng