Kinh tế ấm lên, bất động sản hút hàng

Cập nhật 08/01/2015 16:24

CBRE Việt Nam đưa ra những dự báo về tình hình thị trường bất động sản trong năm mới. Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam dẫn nguồn nhận định từ Ngân hàng Thế giới (WB): “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2015 rất khả quan phần lớn nhờ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô trước đó và các hoạt động xuất khẩu tiếp tục diễn biến tích cực tại các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài”.

Năm 2014, tại Hà Nội khoảng 10.700 căn hộ đã được giao dịch, tăng tới 60% so với năm 2013.

Hơn 1 vạn căn hộ được giao dịch

Năm 2014, GDP Việt Nam  tăng trưởng ổn định từ 5,06% ở quý I/2014 lên 6,98% quý IV/2014. Điện thoại di động đã trở thành ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam nhờ vốn đầu tư của Tập đoàn Samsung. Cũng trong năm 2014, Tập đoàn này đã đầu tư 5,4 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 3 tỷ USD dành để xây dựng dự án khu phức hợp Thái Nguyên, 1 tỷ USD vào nhà máy chế tạo màn hình tại Bắc Ninh và 1,4 tỷ USD cho nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng tại TP. Hồ Chí Minh.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều diễn biến thuận lợi như: Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức trung bình 4,09% ; lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cung được điều chỉnh xuống mức 10% ; Bất động sản đứng thứ 2 xét về tổng mức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ; Các hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có chiều hướng tốt lên, được nhận thấy không chỉ ở khu vực nhà giá rẻ…

Với những tín hiệu tích cực đó, trong quý IV/2014, làn sóng các đợt mở bán mới căn hộ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Trong quý này, có tổng cộng 7.200 căn hộ được chào bán ra thị trường từ 16 dự án, hầu hết thuộc phân khúc trung cấp và bình dân, nâng tổng số căn hộ chào bán mới cả năm 2014 lên 16.200 căn, gấp hơn 2 lần con số 7.900 căn của cả nước năm 2013. Tổng cộng cả năm 2014, khoảng 10.700 căn hộ đã được giao dịch, tăng tới 60% so với năm 2013.

Về giá, các dự án ở các quận nội đô tiếp tục thu hút khách mua và giữ mức giá bán sơ cấp cao. Giá sơ cấp bình quân của các dự án tại các quận nội đô tăng khoảng 10% - 20% so với năm trước. Tại phân khúc bình dân, các căn hộ được mở bán mới, đặc biệt vào thời điểm cuối năm đã có mức giá chào bán cao hơn các căn hộ mở bán trước đó, từ 5% - 10% tùy dự án và vị trí.

M&A - vấn đề nằm ở người bán

Triển vọng thị trường nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tích cực trong năm 2015. Giao dịch mua bán sẽ tiếp tục tăng trưởng, và các dự án mới hoặc tái khởi động sẽ tiếp tục mở bán ra thị trường. Các sản phẩm cao cấp và hạng sang sẽ hút khách do nguồn cung ngày càng hạn chế. Quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà được kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu, song các hoạt động trên thị trường này sẽ chậm trong ngắn hạn do các đối tượng tham gia sẽ thận trọng đánh giá thị trường.

‘Ở các phân khúc như: Biệt thự - liền kề, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, khách sạn nói chung, sẽ là 1 năm khả quan trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi không cho rằng thị trường sẽ có sự phát triển bùng nổ như những năm 2008 – 2009. Đến tháng 7/2015, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực, những người nước ngoài quan tâm đến bất động sản Việt Nam sẽ được phép mua bán, trao đổi, chuyển nhượng và cho thuê lại… Phải đến khi đó chúng ta mới được chứng kiến những hành động cụ thể, mua bán, chuyển nhượng trên thị trường’, ông Richard Leech nói !

Theo ông Leech, nhiều khả năng, thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng với tên gọi là ‘ngôi nhà thứ 2’ sẽ thu hút được người nước ngoài. Ngoài ra, dự án ở khu vực trung tâm, có chất lượng tốt sẽ thu hut được người nước ngoài.

Về thị trường M&A năm 2015, CBRE Việt Nam cho rằng, yếu tốt cốt lõi không phải là tìm kiếm người mua mà là tìm kiếm người bán. Những người bán có những sản phẩm tốt và đưa ra giá cả những điều kiện phù hợp. Điều này sẽ quyết định thương vụ đó có thành công không.

Lý giải về điều này, ông Richard Leech cho rằng, năm 2014, có sự tăng trưởng đáng kể đến việc mua bán các dự án tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Maylay, Nhật Bản… tỏ ra thích đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không có nhiều sản phẩm sẵn sàng để bán. Thông thường, họ lựa chọn các dự án đã có doanh thu, đã có hoạt động hoặc đã sẵn sàng các thủ tục về mặt pháp lý. Những sản phẩm có vị trí tốt, ở khu vực trung tâm vẫn được săn lùng nhưng mức giá thường không hề giẻ, người mua mất khá nhiều thời gian đàm phán, không chỉ về giá mà còn vì nhiều điều kiện khác.

Trong năm 2015, yếu tốt cốt lõi không phải là tìm kiếm người mua mà là tìm kiếm người bán. Những người bán có những sản phẩm tốt và đưa ra giá cả những điều kiện phù hợp. Điều này sẽ quyết định thương vụ đó có thành công không.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư