Kinh nghiệm của những người đi vay

Cập nhật 28/08/2013 08:20

Bám sát thông tin về chính sách, thường xuyên cập nhật thông báo từ phía các ngân hàng, trực tiếp làm việc với cán bộ tín dụng để nghe tư vấn, hoàn chỉnh hồ sơ sớm, tìm cơ hội ở tất cả các ngân hàng triển khai... và đặc biệt là phải kiên trì mục tiêu là kinh nghiệm của một số khách hàng đã vượt qua vòng “sát hạch” để tiếp cận gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ nhà ở.

Người dân có nhu cầu vay vốn mua nhà nên trao đổi vướng mắc với ngân hàng để được tư vấn

Cũng từng gặp vướng mắc

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau hơn 2 tháng triển khai, các ngân hàng tham gia giải ngân gói hỗ trợ nhà ở đã giải ngân cho 208 khách hàng với số tiền gần 49 tỷ đồng. Có thể nói đây là một con số khiêm tốn so với nhu cầu thực từ phía người dân có nhu cầu về nhà ở. Những vướng mắc về mặt thủ tục khiến người dân khó tiếp cận được gói tín dụng lãi suất ưu đãi này. Đại diện NHNN thừa nhận, do lần đầu tiên đưa ra một chương trình tín dụng ưu đãi dài hơi như vậy nên không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc. Việc triển khai trong thời gian đầu thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Chị Phương Thị Thúy - Công ty cổ phần ISN chia sẻ: “Ngay khi gói tín dụng chính thức được triển khai tôi đã lựa chọn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) để nộp hồ sơ. Đây là ngân hàng đầu tiên có văn bản triển khai cũng như công bố dành số vốn lớn cho gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, có lẽ do gói này rất mới nên ngân hàng chưa có hướng dẫn cụ thể. Chờ đợi trong 1 tháng nhưng chưa có kết quả tôi đã quyết định nộp hồ sơ sang Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank)”.

Khác với chị Thúy, chị Nguyễn Thị Thiêm – Giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: “Khó khăn lớn nhất để tiếp cận gói tín dụng này là việc chứng minh khả năng trả nợ. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi là 14 triệu đồng một tháng và nhân viên ngân hàng cho biết mức thu nhập đó không đủ để chứng minh khả năng trả nợ”.

Những vướng mắc mà chị Thúy, chị Thiêm gặp phải cũng là những vướng mắc mà hàng trăm khách hàng có nhu cầu vay vốn gặp phải trong tháng đầu triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc xin xác nhận của địa phương về điều kiện ở, xác nhận về mức thu nhập... cũng là những rào cản đối với việc tiếp cận vốn.

Kiên trì “gõ cửa”

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngân hàng thận trọng trong việc giải ngân là điều dễ hiểu. Bởi đây là gói tín dụng hỗ trợ nhưng việc cho vay và thu hồi vốn vẫn phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện để tránh tình trạng nợ xấu. Chính vì vậy, các khách hàng đã tiếp cận được nguồn vốn cho rằng, do chính sách mới nên chính các ngân hàng cũng còn lúng túng, vì vậy việc kiên trì chờ đợi là hết sức cần thiết. Sau khi nộp hồ sơ cần lắng nghe tư vấn của nhân viên ngân hàng xem hồ sơ vướng mắc ở những điểm nào, cần phải bổ sung những gì. Ngoài ra khi xác định cơ hội tại ngân hàng này không nhiều thì có thể “gõ cửa” các ngân hàng khác.

Đại diện VietinBank cho biết, muốn tiếp cận được nguồn vốn lãi suất 6%, khách hàng cần phải chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, trực tiếp trao đổi các vướng mắc với ngân hàng để được tư vấn hướng dẫn cụ thể. Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng chủ động làm việc với các chủ đầu tư dự án,  cũng như chính quyền địa phương để hỗ trợ khách hàng trong quá trình tìm hiểu, tiếp cận và hoàn thiện hồ sơ.

“Quan trọng nhất vẫn là những giấy tờ cho thấy mình thực sự có nhu cầu về nhà ở, giấy tờ chứng minh thu nhập và giấy đề nghị vay vốn cần được hoàn thiện sớm để ngân hàng có hướng dẫn những bước tiếp theo. Người vay nên đến ngân hàng để làm việc trực tiếp. Như trường hợp của tôi, với mức thu nhập 8,9 triệu đồng/tháng cũng đã đủ điều kiện để vay 200 triệu đồng từ VietinBank để đóng nốt 30% hợp đồng mua nhà”, chị Phương Thị Thúy chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Thiêm cho rằng: “Nếu chỉ có nỗ lực từ một phía như riêng khách hàng, hay ngân hàng hoặc chủ đầu tư thì không thể có hiệu quả mà tất cả phải cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau thì nguồn vốn mới nhanh chóng được giải ngân và đến đúng địa chỉ”.
 
DiaOcOnline.vn - Theo An ninh thủ đô