Kinh hãi 27 căn nhà sắp tuột xuống sông Sài Gòn!

Cập nhật 05/10/2017 09:53

Nhiều hộ dân ở ven sông Sài Gòn, đoạn qua quận Thủ Đức, TP HCM đối mặt nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào


UBND TP HCM vừa chỉ đạo di dời khẩn 27 căn nhà ven sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu thuộc địa bàn quận Thủ Đức nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trước nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào


Ngày 4-10, từ cầu Bình Lợi chạy dọc về phía thượng lưu sông Sài Gòn, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm căn nhà, hàng quán được xây dựng sát mép sông. Trong đó, nhiều đoạn có biển cảnh báo sạt lở nhưng kế bên vẫn đang kinh doanh quán cà phê


Đơn cử như một quán cà phê lớn ở cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Chánh), với quy mô rộng hàng ngàn mét vuông


Quán cà phê này được xây dựng sát bên khu vực được cảnh báo về tình trạng sạt lở


Trong khi đó, trở lại khu vực cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước), chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi chứng kiến hiện trường vụ sạt lở hồi tháng 7-2015 còn nguyên si


Những hộ dân nơi đây chưa hết kinh hãi khi nhớ lại cảnh 2 căn nhà cùng 3 người lọt sông Sài Gòn giữa đêm do vụ sạt lở này gây ra. Vụ sạt lở đã làm đoạn bờ kè có diện tích khoảng 2.000 m2 bị nhấn chìm, 2 căn nhà cùng nhiều tài sản bị nước cuốn phăng xuống sông Sài Gòn. Ngoài hậu quả trên, vụ sạt lở còn làm 4 căn nhà khác sát bên bị ảnh hưởng, khiến chính quyền địa phương phải di dời những người sống bên trong đến nơi ở tạm trong khi chờ khắc phục


Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, hiện trạng của vụ sạt lở này vẫn không hề có dấu hiệu được cải tạo. Căn nhà 2 tầng đồ sộ bị sạt lở hiện đã bỏ hoang, nằm nghiêng hẳn về một bên như chực đổ sập


Xung quanh là nhiều công trình phụ cùng các bức tường lớn nứt toác, nằm ngổn ngang, mấp mé trên mặt nước. Đoạn bờ bao dài hàng chục mét bằng bê-tông, rào chắn… bám đặc rong rêu và bị phủ kín bởi lục bình


Quan sát ở phần nền của căn nhà này vẫn còn nguyên hiện trạng những vết khoét hàm ếch cùng nhiều khe nứt lớn do vụ sạt lở gây ra


Phía ngoài là những trụ điện xiêu vẹo cùng một biển cảnh báo khu vực sạt lở được cắm chơ vơ dưới lòng sông Sài Gòn nhưng ven bờ không hề có rào chắn an toàn…


Căn nhà này do ông Nguyễn Đình Quang (ngụ tại đường số 7, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước) làm chủ, được xây dựng lấn sông trái phép nhưng chưa kịp tháo dỡ theo yêu cầu của chính quyền địa phương thì xảy ra vụ sạt lở



Cũng ghi nhận trên địa bàn quận Thủ Đức, ven sông Sài Gòn đoạn qua 2 phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh, nhiều vị trí nền đất bị lở hàm ếch nghiêm trọng nhưng vẫn còn hàng chục hộ dân bám trụ để sinh sống và kinh doanh. Tại khu vực cuối đường số 23, 18… (phường Hiệp Bình Chánh), hàng loạt quán ăn, cà phê được xây dựng sát mép sông Sài Gòn. Một số đoạn xây bờ kè kiên cố nhưng cũng không ít khu vực chỉ xây tạm bợ để kinh doanh do có mặt tiền là bờ sông

Trước tình trạng trên, UBND TP giao UBND quận Thủ Đức tổ chức di dời ngay 27 căn nhà nằm trên sông, ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu trước nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là trong thời điểm TP đang mùa mưa.

Đồng thời, UBND TP HCM chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP đẩy nhanh tiến độ làm đề án di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở trên các sông, rạch. Ưu tiên bố trí vốn khởi công mới các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân.

Theo Sở GTVT TP HCM, TP còn 39 vị trí có nguy cơ sạt lở được đánh giá đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Trong đó, hiện có 37 dự án đang được triển khai tại những vị trí này, gồm 23 vị trí do các đơn vị trực thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư, số còn lại do UBND các quận, huyện cùng một số đơn vị khác thực hiện. Ông Hà Thanh Sơn, Phó phòng Quản lý Vận tải thủy Sở GTVT cho biết trong tất cả các dự án nêu trên, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ có 7 công trình hoàn tất, gồm 5 công trình ở huyện Nhà Bè, còn lại ở quận 2 và 7.
 

DiaOcOnline.vn - Theo  NLĐ