Kinh doanh siêu thị mini: Mô hình nhỏ, lợi ích lớn

Cập nhật 16/04/2014 14:31

Siêu thị mini – loại hình kinh doanh dựa trên mặt bằng bán lẻ diện tích vừa phải (từ 100-150m2), nhà đầu tư chỉ cần khéo chọn vị trí địa lý và am hiểu luật, hoàn toàn không lo thua lỗ.

Khi các tòa chung cư thương mại chen vai cùng những ngôi nhà thổ cư san sát tại những đô thị đông dân như Hà Nội, Tp.HCM, cũng là lúc mở ra cơ hội kiếm tiền cho những nhà đầu tư khôn ngoan. Từ những dịch vụ ăn theo như bán trà đá ở chân chung cư, tới việc mở siêu thị mini gần các khu dân cư tập trung đang rất "hốt bạc".

Kinh doanh dưới lòng đất

Dạo một vòng quanh các trung tâm thương mại đặt dưới lòng đất mới đi vào hoạt động tại Hà Nội vừa qua, như: Tổ hợp VincomMegamall (Royal City), với khu vực mua sắm rất quy mô, đại siêu thị lên đến hơn 12.000 m2; trung tâm mua sắm quy tụ hàng trăm thương hiệu thời trang, trang sức, phụ kiện, mỹ phẩm, đồ gia dụng, các siêu thị điện máy… nổi tiếng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, khu ẩm thực có diện tích khoảng chục nghìn m2, quy tụ ngót 100 nhà hàng phục vụ. Kể từ khi chính thức hoạt động tới cuối năm 2013, những cửa hàng, đại siêu thị, siêu thị mini dưới lòng đất thường xuyên chật ních khách hàng vào cuối tuần, dịp nghỉ lễ.

Khu vực Trung Hòa – Nhân Chính và Phạm Ngọc Thạch ra đời 2 đại siêu thị ngầm do Tập đoàn Đại Dương làm chủ đầu tư, gồm: Ocean Mart Trung Hòa (tầng B1, N05, KĐT Trung Hòa – Nhân Chính); Ocean Mart Starbowl (2B Phạm Ngọc Thạch). Sau sự thành công đáng nể của rất nhiều đơn vị bán lẻ tại Royal City, hàng chục thương hiệu về hàng tiêu dùng, tiện ích gia đình đã tìm tới hai đại siêu thị này để tìm cơ hội kinh doanh. Sự thành công của mô hình bán lẻ dưới mặt đất phần nào đang chứng tỏ sức cạnh tranh khốc liệt với những chuỗi siêu thị, đại siêu thị trên mặt đất vốn "không có đối thủ" như Coop Mart, CitiMart BigC, Fivimart…

Tuy vậy, nhược điểm của mô hình kinh doanh mặt bằng bán lẻ dưới lòng đất chính ở…dưới lòng đất. Rất nhiều bà nội trợ Việt Nam vẫn có tâm lý ưa kiểu chợ dân sinh, hay có chăng là siêu thị "nổi", bởi ngại gửi xe chung với dân văn phòng. Mặt khác, sự phối hợp giữa các tiện ích mua sắm ở mức phổ cập, với giải trí mới tạo nên sức cạnh tranh của các trung tâm thương mại, siêu thị ngầm. Bởi lẽ, ngoài sức mua người dân đang giảm mạnh, kết hợp giữa mua sắm và cho con cái giải trí cùng lúc là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Thực tế, những doanh nghiệp đầu tư BĐS làm được nhuần nhuyễn công thức trên tại Hà Nội còn quá ít so với nhu cầu thực.

Siêu thị mini đang mọc lên tới tấp ở các khu dân cư vừa hoàn thiện hạ tầng như Định Công, dọc phố Kim Giang, đường 32 (đoạn ĐH Thương Mại tới Cổ Nhuế), Trung Kính, Nam Trung Yên…

Thêm nữa, mô hình siêu thị "ngầm" kiểu Ocean Mart, hay VincomMegamall đòi hỏi lực đầu tư cực mạnh – những nhà đầu tư địa ốc non tài chính, tìm kiếm cơ hội mặt bằng bán lẻ từ "miếng bánh dưới lòng đất" sẽ phải chờ "đại gia" rót tiền lập dự án.

"Săn" đất xây siêu thị mini

Theo một số đơn vị tư vấn, môi giới địa ốc ở khu Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, lượng khách đòi hỏi thuê dài hạn mặt bằng diện tích vừa phải (100-150m2) đột ngột gia tăng đáng kể. Đa phần khách hàng đều gặp nhau ở một điểm: mặt bằng gần các khu tập trung đông dân, nhiều trường đại học, cao đẳng, hoặc quy tụ số lượng lớn các văn phòng công ty đặt chi nhánh. Giá thuê theo đó có thể từ 15-30 triệu/tháng, thanh toán 6 tháng một lần, hợp đồng kéo dài ít nhất 2 năm.

Anh Minh, nhân viên phòng kinh doanh một sàn giao dịch đặt tại đường Lê Đức Thọ chia sẻ: lượng khách đối với các mặt bằng bán lẻ không nhiều, nhưng chắc chắn về giao dịch và tài chính. Về phần khách thuê, nếu tìm được mặt bằng ưng ý, họ sẵn sàng tới làm hợp đồng luôn mà không đặt cọc, đắn đo suy nghĩ. Những khách mua bán các dạng thổ cư diện tích 150m2 lại khó "chăm sóc" hơn. Vừa hiểu rõ luật, lại nắm bắt được các "chiêu" để "cắt cầu" môi giới là đặc điểm của nhóm khách hàng này.

Bà Lan, chủ một căn nhà rộng ngót 100m2 gần đường Láng cho biết, một tháng nay, nhiều người thi nhau tới hỏi thuê để mở siêu thị mini, nhưng tôi chưa đồng ý, vì giá chưa ưng (15 triệu đồng/tháng). Ngôi nhà trong ngõ rộng 2 ô tô con tránh nhau, cách mặt đường Láng chưa đầy 100m2, lại thêm ưu điểm gần trung tâm nhiều văn phòng, cơ sở đào tạo đại học, nên ngay khi chủ nhà rao cho thuê, vô số nhà đầu tư đã tìm tới thuê để lắp đặt, thiết kế kinh doanh siêu thị mini.

"Đầu tư cho loại siêu thị này rất dễ. Chỉ cần lưng vốn khoảng 400-500 triệu, trừ tiền thuê đất trong 1 năm, bán các mặt hàng tiện dụng như thức ăn, dụng cụ sinh hoạt gia đình với giá sát "gốc", đảm bảo 2 năm sau là có lãi. Điều quan trọng là chọn được địa điểm hợp lý, nhanh chân thuê, hoặc mua mặt bằng tương ứng, xin giấy phép kinh doanh. Đặc biệt, thành lập pháp nhân dưới dạng công ty TNHH ngay sau khi chuẩn bị mặt bằng sẽ tránh được mọi khó khăn nảy sinh trong quá trình kinh doanh", anh Huy, chủ một siêu thị mini dọc trục Kim Giang – Khương Hạ mới phân tích.

Siêu thị mini, đang mọc lên rất nhiều ở các khu dân cư vừa hoàn thiện hạ tầng như Định Công, dọc phố Kim Giang, đường 32 (đoạn ĐH Thương Mại), Trung Kính, Nam Trung Yên… Điểm "được" của mô hình này, là mua sắm tiện lợi, giá cả "ngang ngửa" chợ dân sinh (thậm chí rẻ hơn), yên tâm chất lượng và dễ dàng "len lỏi" vào từng cộng đồng dân cư san sát nhau trong nội đô. Ngày càng được người dân hướng tới (so với tình trạng xếp hàng chờ thanh toán, tắc đường chờ gửi, lấy xe ở trung tâm thương mại), cộng thêm chi phí đầu tư thấp, thời gian hồi vốn nhanh, rủi ro thấp – siêu thị mini đang cho thấy ưu thế không mini chút nào.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh