Dự kiến, cuối năm nay, chợ Mơ (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) sẽ được chủ đầu tư là Tcty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam - Vinaconex xây thành trung tâm thương mại cao khoảng 20 tầng, hoàn thành và bàn giao công trình trước ngày 1/7/2010.
Tuy nhiên, một vấn đề được hơn 1.000 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Mơ hết sức quan tâm là, họ sẽ được bố trí kinh doanh tạm ở đâu trong thời gian chờ xây chợ mới?
Ngày 4/5/2007, UBND quận Hai Bà Trưng và Vinaconex đã có công văn số 1140/CV - KTKH gửi UBND TP về việc xin chấp thuận địa điểm xây dựng chợ tạm phục vụ GPMB Trung tâm thương mại chợ Mơ. Khu vực được đề xuất gồm khu vực Ao Lim (phía Tây sông Kim Ngưu) rộng 4.028 m2 và khu vực vỉa hè phía Đông sông Kim Ngưu (hiện đang do Công ty Khai thác điểm đỗ xe quản lý làm bãi đỗ xe) rộng 424 m2.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hai Bà Trưng, xây dựng chợ tạm tại đây không làm ảnh hưởng tới giao thông trong khu vực, tiện lợi trong công tác thu gom vệ sinh môi trường và không phải GPMB.
Ngay sau đó, Văn phòng UBND TP đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình chấp thuận về mặt nguyên tắc, tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan triển khai thu hồi đất làm chợ tạm.
Theo đề xuất của Vinaconex, dự kiến khu vực Ao Lim bố trí làm khu chợ tươi sống tập trung, bao gồm các ngành hàng thực phẩm tươi sống và rau củ quả tươi. Khu vực vỉa hè khu Đông Kim Ngưu bố trí các ngành hàng khô và hàng tạp hóa. Tuy nhiên, do số lượng hộ kinh doanh tương đối lớn (1.181 ki ốt) nên mặt bằng bố trí chợ tạm không đủ, chỉ đáp ứng được khoảng trên 90%. Vì vậy, chủ đầu tư đưa ra 2 phương án. Cụ thể phương án I: Khu vực Ao Lim được chọn để bố trí là khu chợ tươi sống nên ki ốt ở chợ tươi sống bao gồm 5 loại ki ốt đơn (2 x 1,5m) và ki ốt đôi (2,25 x 1,5m). Riêng dãy ki ốt giáp với mặt đường Kim Ngưu có tổng cộng 156 ki ốt được thiết kế có cửa sắt và được ngăn với nhau để phục vụ cho các ngành hàng công nghệ phẩm.
Các ki ốt còn lại được để trống để phục vụ cho các ngành hàng khác. Khu vực bán cá tươi được bố trí về phía cuối chợ và được tách thành khu vực riêng biệt rộng 144m2. Khu vực này có hệ thống thoát nước kín để tránh gây ô nhiễm. Trong khu vực tươi sống còn có một khu hàng ăn rộng 221m2. Chợ tạm khu vực này được chia làm 3 cổng vào để dễ cho công tác quản lý.
Trong chợ có nhà điều hành chung của chợ và khu vệ sinh công cộng. Toàn bộ tường rào của chợ được xây mới cao 3m. Khu vực vỉa hè Đông Kim Ngưu (đoạn từ cầu Lạc Trung đến ngõ số 2 Thanh Lương): Phương án này chỉ bố trí ki ốt trên vỉa hè. Tuy nhiên, do hiện trạng vỉa hè có nhiều công trình như cột điện, trạm điện và cây xanh nên chỉ bố trí được 190 ki ốt. Ki ốt ở đây là loại ki ốt đơn (2 x 1,5m).
Phương án 2: Khu vực Ao Lim được bố trí tương tự như phương án 1. Riêng khu vực vỉa hè Đông Kim Ngưu (đoạn từ cầu Lạc Trung đến ngõ số 2 Thanh Lương) bố trí thêm một dãy ki ốt dưới lòng đường. Như vậy, tại đây có tổng cộng 550 ki ốt, gồm 190 ki ốt đơn (2 x 1,5m) và 360 ki ốt đôi (2 x 1,75m).
Chợ tạm khu vực này phía đường Kim Ngưu được ngăn cách bởi tường dựng bằng tôn. Mặt đường này chia thành các cổng cách đều nhau 24m vào để dễ cho quá trình lưu thông hàng hóa. Trong chợ có 2 nhà điều hành và bảo vệ chung cho chợ và khu vệ sinh công cộng di động bảo đảm vệ sinh cho người bán cũng như khách hàng. Các bể nước cứu hỏa được bố trí đều trong chợ đảm bảo cho công tác PCCC.
Đại diện chủ đầu tư cho biết: Hai khu chợ được thiết kế phù hợp với tiêu chí của chợ tạm về địa điểm, giao thông và môi trường phục vụ tốt cho đời sống cũng như kinh doanh của các hộ kinh doanh trong chợ và phục vụ tốt cho nhu cầu mua bán của nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên, như thừa nhận của cơ quan tư vấn thiết kế, số lượng các hộ kinh doanh theo thống kê lên tới 1.181 hộ, trong khi đó mặt bằng của chợ chỉ đáp ứng được 1.086 ki ốt. Số ki ốt còn thiếu, đơn vị tư vấn đề nghị Ban quản lý chợ tạm điều chỉnh hoặc bố trí vào khu vực khác cho phù hợp…
Thùy Linh - Theo Kinh Tế & Đô Thị