Việc quy định về vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng lẫn người mua.
“Dự luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) yêu cầu điều kiện để doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh BĐS là phải có vốn ít nhất 50 tỉ đồng là rất hợp lý. Bấy lâu nay nhiều DN tay không bắt giặc, khi ngân hàng đến “xiết” thì phát hiện vốn đăng ký chỉ chục triệu đồng”. Đó là nhận định của ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII ngày 7-5, nhằm lấy ý kiến thẩm tra chính thức dự luật này.
Theo ông Tiếp, do không có vốn đầu tư nên nhiều DN đã huy động vốn từ khách hàng thực hiện dự án nên đã dẫn đến nhiều rủi ro hiểm nguy cho người mua như thực tế vừa qua. TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng để chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh BĐS không thể để nhà nhà, người người đều có thể kinh doanh. “Có nên đưa định chế quỹ tín thác vào dự luật này để chuyên nghiệp hóa?” - ông đặt vấn đề.
Giao dịch bất động sản tại hội chợ Vietbuild, TP.HCM. Ảnh: HTD
|
Ông Lịch cũng đề nghị bổ sung vào dự luật quy định cho phép thế chấp công trình xây dựng hình thành trong tương lai vì tại dự luật hiện nay chỉ có quy định về bán, cho thuê, thuê mua tài sản này. Tuy nhiên, bà Nguyễn Tuyết Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, lại có ý kiến ngược lại. Vị này cho rằng cần bỏ quy định này ra khỏi dự luật kể cả bán, cho thuê, thuê mua vì gây rủi ro rất lớn cho tổ chức tín dụng nếu chủ đầu tư không hoàn thành sản phẩm cho khách hàng, bị phá sản… Bên cạnh đó, trong ngành ngân hàng cũng không có quy định về loại tài sản được hình thành trong tương lai được mua bán, thế chấp.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng yêu cầu về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS là rất cần thiết. “Tuy nhiên, có cần thiết do Sở Xây dựng cấp hay không, lâu nay quá nhiều thứ giao cho cơ quan hành chính nhà nước. Nên giao cho tổ chức chuyên môn cấp thì hợp lý hơn” - ông bày tỏ. Ông cũng băn khoăn về những ưu đãi quá lớn cho DN đầu tư nhà ở xã hội tại dự luật kinh doanh BĐS. “Nếu ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư mà không quan tâm đến người mua dẫn đến sản phẩm không tiêu thụ được, tồn kho rất lớn thì giải quyết như thế nào?” - ông đặt vấn đề.
Nhiều ý kiến cho rằng dự luật còn sự phân biệt khi nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn hơn so với nhà đầu tư trong nước. Về sàn giao dịch BĐS, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho hay dự luật vẫn còn ý kiến khác nhau. Theo đó, đa số nhất trí là bỏ quy định bắt buộc này. “Buộc mua bán qua sàn giao dịch để đảm bảo sự công khai, minh bạch nhưng thực tế chẳng minh bạch, công khai. Do đó các ý kiến đề nghị đó chỉ nên là một trong những kênh chứ không bắt buộc” - ông cho biết.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định vấn đề mua bán, cho thuê tài sản hình thành trong tương lai, hoàn toàn có thể khả thi. Về thị trường thế chấp, ông cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu để quyết định xem có nên đưa vào hay không.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP