Kinh doanh bất động sản đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp.

Cập nhật 17/09/2007 16:00

Thống kê tại Sở Thương mại TPHCM và Sở Thương mại TP Hà Nội cho thấy, đa số các doanh nghiệp (DN) hiện nay đều đăng ký lĩnh vực hoạt động là kinh doanh đa ngành nghề; 90% số DN niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM có ý định tham gia vào thị trường bất động sản (BĐS).

Vì sao các DN “ngoại đạo” lại hứng thú với thị trường địa ốc? Liệu khi đổ xô vào kinh doanh đa ngành nghề, đặc biệt là BĐS, thương hiệu vốn có của họ có bị ảnh hưởng?...

Coi bất động sản như đòn bẩy

Theo ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, BĐS đang là một lĩnh vực “nóng”, có khả năng sinh lời cao. Tình trạng “cháy” văn phòng cho thuê đã đẩy giá thuê văn phòng ở VN lên mức cao thứ hai châu Á, chỉ đứng sau Singapore. Vì thế, BĐS đang là “mốt” của các DN kinh doanh đa ngành nghề.

Có đến trên 80% DN tham gia vào thị trường địa ốc. DN nào cũng phải có một vài dự án để làm đòn bẩy cho việc tham gia thị trường chứng khoán và một số lĩnh vực khác. Điển hình như: Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công vừa bắt tay đầu tư vào một dự án BĐS ở Long An; Công ty TNHH An Thiên Lý được biết đến trong lĩnh vực sản xuất bao bì, vật liệu... cũng đang có dự án xây dựng trung tâm thương mại và chung cư tại quận 9; thương hiệu thức ăn nhanh Vietsin cũng dự kiến rót trên 70 tỉ đồng vào thị trường BĐS với dự án xây dựng cao ốc trong thời gian tới...

Lý giải vì sao các DN lại coi thị trường địa ốc như một đòn bẩy cho các hoạt động kinh doanh khác của mình, các chuyên gia BĐS cho rằng, bên cạnh những lợi nhuận mà các dự án BĐS mang lại thì khi tham gia thị trường chứng khoán các DN sẽ gặp thuận lợi. Hình ảnh của DN và kỳ vọng của nhà đầu tư vào DN đó sẽ cao hơn. Từ đó, giá cổ phiếu của công ty đó sẽ có khả năng tăng lên.

Sao nhãng thế mạnh truyền thống


Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạ tầng đô thị, lợi nhuận cao là nguyên nhân khiến các DN thi nhau nhảy vào thị trường địa ốc. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có những nghiên cứu thị trường một cách cụ thể để đưa ra chiến lược kinh doanh thích hợp. Nhiều DN do không am hiểu về thị trường đã dẫn đến đầu tư tràn lan, lãng phí, thậm chí đầu cơ, tác động xấu đến thị trường. Trong khi đó, việc phát triển ngành nghề kinh doanh ban đầu, tạo dựng và phát triển thương hiệu của mình thì bị sao nhãng, thậm chí bỏ quên.

Chạy theo xu hướng kinh doanh đa ngành nghề, quá say sưa với những lợi nhuận mà BĐS mang lại, các DN không còn thời gian “chăm sóc” thương hiệu của mình. Về lâu dài, các DN sẽ khó có thể làm chủ được thương hiệu của mình.

Các chuyên gia cho rằng kinh doanh đa ngành nghề có thể mang lại không ít rủi ro cho DN. Bởi đồng thời với việc thu lợi từ lĩnh vực kinh doanh mới thì thương hiệu của họ cũng sẽ bị mờ nhạt, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ. Giới kinh doanh đã từng chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của thương hiệu gà rán Chicken Tow. Nhưng rồi người ta tận mắt thấy sự sụp đổ của thương hiệu này khi họ mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tự pha loãng thương hiệu của mình.

Thực tế cho thấy đã có không ít cổ phiếu của các công ty bị sụt giảm chỉ vì mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Các DN nhảy vào thị trường BĐS nhằm mục đích lấy điểm trong mắt nhà đầu tư nhưng đã bị phản tác dụng khi không có chiến lược đầu tư hợp lý, bỏ quên thương hiệu của mình. Khi thương hiệu đã bị mờ nhạt, không được chăm sóc kỹ lưỡng thì kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ giảm và cổ phiếu của họ bị rớt giá cũng là điều dễ hiểu.

 

Theo Người Lao Động