Kinh doanh bất chấp tính mạng khách hàng là một tội ác

Cập nhật 28/03/2018 08:43

'Kiểu kinh doanh bất chấp quy định pháp luật, xem thường tính mạng khách hàng, phải xem đó là một tội ác. Dù có lý sự, biện minh thế nào đi nữa cũng hoàn toàn không thỏa đáng. Vấn đề này cần phải bị phê phán, lên án'.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu quan điểm khi trả lời PV Thanh Niên các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà cao tầng sau thảm họa cháy chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) rạng sáng 23.3 vừa qua.

“Nói bất ngờ là không đúng đâu”

* Thảm họa cháy chung cư Carina Plaza, theo ông, có nên xem là chuyện bất ngờ?

- Ông Lê Hoàng Châu: Cháy chung cư Carina Plaza mà nói bất ngờ là không đúng đâu, vì cư dân đã nhiều lần cảnh báo những bất thường của hệ thống PCCC rồi, thang máy hư hỏng, bảo vệ hút thuốc trong hầm để xe…, và những cảnh báo đó đã có từ lâu. Đây rõ ràng là tình tiết tăng nặng khi truy cứu trách nhiệm vì cảnh báo đã được đưa ra từ trước. Thật sự ai cũng rất đau buồn bởi sự cố xảy ra gây thiệt hại lớn về nhân mạng, tài sản của bà con (ít nhất 13 người chết, 91 người bị thương, hàng trăm xe máy, ô tô bị thiêu rụi, hàng trăm hộ dân chưa thể trở lại căn hộ của mình để sinh hoạt bình thường như trước - PV).

Đô thị hóa ở TP.HCM diễn ra với tốc độ rất nhanh. Nhiều nhà cao tầng liên tục được xây dựng. ẢNH: ĐÌNH PHÚ

* HoREA có chú ý đến vấn đề PCCC đối với các hội viên tham gia phát triển cao ốc, chung cư?

Thật tình mà nói thì nhận thức, ý thức về PCCC có nâng lên, đa số anh em chủ đầu tư đều thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nói còn có một số chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC… Nếu chẳng may sự cố xảy ra thì hậu quả khôn lường

Ông Lê Hoàng Châu
 

- Hiệp hội nhận thức vấn đề PCCC nhà cao tầng rất lớn, rất rõ, cho nên năm 2017 đã phối hợp Cảnh sát PCCC TP.HCM và các sở ngành liên quan, quận, huyện tổ chức hội nghị chuyên đề PCCC nhà cao tầng. Tại hội nghị này có lãnh đạo UBND TP.HCM dự, phát biểu chỉ đạo, tạo sự đồng tình, nhất trí cao trong hội viên.

Thật tình mà nói thì nhận thức, ý thức về PCCC có nâng lên, đa số anh em chủ đầu tư đều thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nói còn có một số chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC. Chưa đợi đến vụ cháy chung cư Carina Plaza, mà trước đó nhiều dự án chung cư, trong đó có chung cư Bảy Hiền Tower còn đang thi công, chưa xong phần thô, chưa nghiệm thu PCCC mà đã đưa hàng chục hộ dân vào ở. Kiểu làm này không thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, rất coi thường tính mạng người dân. Nếu chẳng may sự cố xảy ra thì hậu quả khôn lường.

“Vấn đề này cần phải bị phê phán, lên án”

* Kiểu kinh doanh bất chấp quy định pháp luật, xem thường tính mạng khách hàng như vậy, có thể xem đó là một tội ác?

- Đúng, đó là một tội ác! Dù có lý sự, biện minh thế nào đi nữa thì hoàn toàn không thỏa đáng. Vấn đề này cần phải bị phê phán, lên án.

* Theo ông, chúng ta cần phải xử lý “tội ác” đó như thế nào?

- Những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, dù là lỗi cố ý hay vô ý, mà tính mạng con người là cao nhất, nếu liên quan đến cái cao nhất đó thì chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan phải bị xử lý với trách nhiệm cao nhất theo quy định của pháp luật.

* Nhiều cư dân chung cư Carina Plaza đang hết sức khốn khổ sau vụ cháy, họ mất mát người thân, rơi vào tình cảnh vô cùng bi đát về nơi ở, phương tiện đi lại, sức khỏe, tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Chúng ta cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan như thế nào?

- Chung cư Carina Plaza đã nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, và thực tế đã sử dụng 6 năm rồi. Theo luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản, trách nhiệm nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng là trách nhiệm chính của chủ đầu tư, tiếp đến là đơn vị thi công, đơn vị tư vấn, giám sát thi công, thiết kế. Còn Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng có quyền hậu kiểm. Nhưng hậu kiểm thì làm theo xác suất thôi, còn khi đã có biên bản nghiệm thu rồi, thì về quy định pháp luật là coi như xong.

Nhiều nhà cao tầng ở TP.HCM xen cài trong khu dân cư đông đúc. Do đó, công tác đảm bảo an toàn PCCC là vấn đề hết sức hệ trọng, đòi hỏi các chủ đầu tư cần phải đặc biệt quan tâm. ẢNH: ĐÌNH PHÚ

* Như vậy, quy trình này có kẽ hở dẫn đến nguy cơ thiếu an toàn công trình nhà cao tầng nói chung và hệ thống PCCC nói riêng, bởi chủ đầu tư có thể dễ dàng tìm cách “nghiệm thu cho xong”, và khi hậu kiểm có thể có tình trạng “bỏ tôm bắt tép”?
 

“Một điều quan trọng nữa, là từ vụ cháy chung cư Carina Plaza, ngay bây giờ phải tổng kiểm tra PCCC, mức độ an toàn tất cả nhà cao tầng trên phạm vi cả nước, dù nhà cao tầng đó là cao cấp hay bình dân đều phải được kiểm tra hết. Phải làm ngay chuyện đó”, ông Lê Hoàng Châu.
 

- Khi luật Kinh doanh bất động sản còn là dự thảo, trong đó có một đề xuất, đó là khi chủ đầu tư làm biên bản nghiệm thu xong, thì báo cáo Sở Xây dựng thẩm định, ra văn bản đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Nhưng rất tiếc là khi thông qua luật này vào năm 2014, điều khoản này bị bỏ đi, vì nhiều ý kiến phản đối, nhất là chủ đầu tư nhà cao tầng phản đối.

Đây là một vấn đề, và cần phải đặt lại cụ thể khi bổ sung, sửa đổi luật Kinh doanh bất động sản sắp tới. HoREA sẽ có văn bản kiến nghị siết chặt công tác phòng chống cháy, nổ nhà chung cư, bởi bây giờ không chỉ có nguy cơ cháy từ bình gas trong từng hộ gia đình, mà còn có nguy cơ nổ do ngày càng có nhiều nhà cao tầng cấp gas sinh hoạt bằng hệ thống đường ống chung. Nguy cơ cháy, nổ cũng rất lớn. Nhà cao tầng ở Hàn Quốc, Anh và một số nước khác từng bị sự cố này rồi.

Tất cả các vấn đề liên quan đến công tác PCCC công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng nói riêng phải được luật hóa, chứ không thể để ở dạng văn bản dưới luật được. Nếu không luật hóa, hiệu quả thực thi không cao.

Một năm kiểm tra 2 lần “mà sao không hoạt động gì hết trơn”

* Trở lại thảm họa cháy chung cư Carina Plaza, mặc dù công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng cư dân cho biết chung cư này có tới… “5 không”: không có báo động cháy, không có đèn tín hiệu hướng dẫn thoát thân, hệ thống phun nước chữa cháy tự động không hoạt động, không có người hướng dẫn cho đến khi cảnh sát PCCC đến. Trách nhiệm thuộc về ai?

- Giả sử như khi nghiệm thu đưa vào sử dụng, hệ thống PCCC của chung cư đầy đủ, nhưng 6 năm trôi qua rồi, chủ đầu tư nói lúc đó tôi nghiệm thu đầy đủ hết. Như vậy, vấn đề tiếp theo là trách nhiệm của ai?

Thứ nhất: Trách nhiệm chính vẫn là chủ đầu tư, vì chủ đầu tư vẫn còn quyền lợi ở đây.
 


Ngoài những khu nhà cao tầng hiện tại, ở TP.HCM còn có nhiều chung cư cũ không đảm bảo an toàn PCCC. ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Thứ hai: Trách nhiệm của Ban quản trị chung cư, mà nếu chung cư chưa có Ban quản trị, thì Ban quản lý hiện hữu vận hành chung cư chịu trách nhiệm. Đây là trách nhiệm kiểm tra định kỳ, bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo hệ thống PCCC vận hành tốt, hoạt động đúng thiết kế ban đầu, là chuông báo cháy có reo không, trụ nước chữa cháy có nước không, nếu có nước thì áp suất đủ mạnh không, chứ có nước mà chảy như kiểu “thằn lằn đái” thì sao sử dụng được… Một điều bắt buộc là chung cư phải có máy phát điện dự phòng, nhưng khi xảy ra cháy, điện lưới bị cúp thì cũng chẳng có máy phát điện hoạt động.

Thứ ba: Trách nhiệm của cơ quan PCCC. Nếu như Cảnh sát PCCC Q.8 nói một năm kiểm tra 2 lần, thì vì sao kiểm tra như vậy mà toàn bộ hệ thống PCCC không hoạt động gì hết trơn. Chỗ này là trách nhiệm của cơ quan PCCC.

* Nguy cơ thảm họa cháy nổ chực chờ trong hàng loạt chung cư trên địa bàn TP.HCM bởi hệ thống PCCC không có, hoặc có thì bị tê liệt…

- Nguy cơ đó là rất lớn. Đa số chung cư tại TP.HCM ở dạng bình dân, người ở đông. Mà càng đông càng khó quản lý, càng đông càng nhiều xe máy. Bây giờ chúng ta buộc phải đặt ra một hồi chuông báo động. Tuy nhiên không hoảng loạn.

Xu thế đô thị hóa là tất yếu, xu hướng ở nhà chung cư cũng tất yếu. Do vậy, không chỉ đặt ra hồi chuông báo động là xong, mà phải có những giải pháp đồng bộ để cơ quan PCCC trách nhiệm hơn trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; chủ đầu tư bắt buộc phải chấp hành triệt để các quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cư dân. Và bản thân cư dân cũng phải cộng đồng trách nhiệm, nâng cao ý thức PCCC.

* Xin cám ơn ông !

* Với tư cách là Chủ tịch HoREA, ông có lời khuyên nào cho người dân lựa chọn nhà cao tầng để an cư?

- Khi lựa chọn nhà cao tầng để an cư, thì thứ nhất chọn sản phẩm của những chủ đầu tư uy tín, có thương hiệu, làm nhiều nhà cao tầng nhưng không để xảy ra sự cố cháy, nổ chẳng hạn; chứ không nên đặt niềm tin vào những anh từng có “tiền án tiền sự”. Nhưng tin vào uy tín, thương hiệu chủ đầu tư là một chuyện. Chuyện quan trọng hơn là kiểm tra kỹ PCCC. Nếu chủ đầu tư có hồ sơ PCCC thì trên thực tế có làm đúng không, có đảm bảo chất lượng không, nghiệm thu rồi nhưng vận hành có đúng không. Giả sử vận hành đúng rồi, đạt rồi nhưng yêu cầu là sau một thời gian phải kiểm tra, bảo trì, duy tu…, thì công việc này có thực hiện không, có tiến hành có đúng không… Những vấn đề này cũng cần phải được luật hóa hết để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo cao nhất yêu cầu an toàn bởi tính mạng con người là trên hết.

Quy định pháp luật về PCCC còn có lỗ hổng? Theo ông Lê Hoàng Châu, vấn đề chính ở đây là trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật, vì hiện nay quy định của pháp luật về tiêu chuẩn PCCC cơ bản cũng đã đủ hết rồi, mình chỉ cần nâng cao cấp độ an toàn lên hơn nữa mà thôi. Thực tế hiện nay phát sinh rất nhiều loại hình gây cháy, nổ, do đó cần phải cập nhật, bổ sung quy định phù hợp.

Một điều quan trọng nữa, là từ vụ cháy chung cư Carina Plaza, ngay bây giờ phải tổng kiểm tra PCCC, mức độ an toàn tất cả nhà cao tầng trên phạm vi cả nước, dù nhà cao tầng đó là cao cấp hay bình dân đều phải được kiểm tra hết. Phải làm ngay chuyện đó.



DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên