Không lấy được căn hộ nào ở các tầng 7, 8, 9 tại một dự án gần cầu Rạch Chiếc (quận 9, TP HCM) do bốc thăm quyền mua nhà bị trượt trong khi tầng 13 không ai quan tâm, giá lại rẻ, một nhà đầu tư gom luôn cả sàn 20 căn.
Ông Trực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nhưng đã nhiều năm tham gia đầu tư địa ốc. Việc dự án không áp dụng hình thức đặt chỗ thông thường mà tiến hành bốc thăm để chọn người mua cuối cùng đã khiến cho không ít nhà đầu tư như ông bị vuột mất cơ hội săn căn hộ có vị trí tầng và view đẹp. Song, hành động mua sỉ của ông Trực được nhân viên môi giới dự án này cho là khác người và kỳ lạ vì tầng 13 vốn rất kén khách do ai cũng kiêng kỵ con số "thập tam" kém may.
Ghi nhận của VnExpress, dự án ông Trực mua cả sàn tầng 13 đang xây đến tầng 6, chỉ mới mở bán đợt một (block đầu tiên), được chủ đầu tư bố trí khung giá tăng dần đều theo số tầng từ dưới đếm lên. Trừ từ tầng 3, 4 trở đi, các tầng 5, 6, 7, 8, 9 trở lên sẽ nhích dần 10 triệu đồng mỗi căn một tầng. Tuy nhiên, căn hộ cả sàn tầng 13 có mức giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng giá với các căn ở tầng 3. Vị chi khoản chênh giá do tăng lệch tầng ở vị trí từ tầng 10 trở đi lên đến 50-70 triệu đồng một căn nhưng mua tầng 13 thì tiết kiệm được khoản tiền này.
Trong bối cảnh thị trường căn hộ ngày càng hướng đến nhu cầu ở thật, giới đầu tư đã dần vượt qua rào cản tâm lý mua nhà chung cư ở tầng 13. Ảnh: Vũ Lê
|
Với số lượng hàng gom cả sàn, trừ một căn ở vị trí số 14, gần hộp rác và thang máy, nhà đầu tư này phải đặt cọc khoảng 2 tỷ đồng. Trung bình mỗi căn hộ dự án này có giá 1,6-1,7 tỷ đồng, nếu theo đuổi dự án đến cùng, tổng giá trị suất đầu tư có thể lên đến cả chục tỷ.
Nhiều năm qua, trường hợp các tòa nhà chung cư trên địa bàn TP HCM không hề xuất hiện con số 13 trong thứ tự các tầng hoặc niêm yết giá tầng 13 rẻ hơn đã trở thành hiện tượng phổ biến. Các chủ đầu tư thường tránh con số bị cho là kém may này thành tầng 12b, 14b.
Một tòa nhà phức hợp cao cấp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 không có tầng 13 hay chung cư trên đường Nguyễn Trường Tộ, quận 4 thang máy chỉ ghi là tầng 12b. Trong khi đó, một chủ đầu tư chuyên phát triển dự án căn hộ tại khu Nam Sài Gòn chọn giải pháp nối tầng 12 và 13 thành căn hộ thông tầng, đánh số là tầng 12, nhằm tránh con số nhiều người kiêng kỵ. Để kích thích sức mua, doanh nghiệp chủ động giảm giá những căn thông tầng này (thường có diện tích lớn) đến 12% so với các căn hộ thông thường, tương đương giảm cả triệu đồng mỗi m2.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, khá nhiều doanh nghiệp xây chung cư không còn né tránh con số 13 khi xếp thứ tự tầng căn hộ mà chủ động áp mức giá mềm hơn các tầng khác để kích cầu. Không ít nhà đầu tư sẵn lòng mua sỉ tầng 13 vì giá rẻ.
Tổng giám đốc công ty địa ốc có trụ sở tại quận 10, TP HCM đánh giá, việc ông Trực mua cả sàn căn hộ tầng 13 để đầu tư vì giá rẻ do các vị trí đẹp đã hết hàng chứng tỏ giới buôn địa ốc đã vượt qua những rào cản tâm lý kiêng kỵ con số thập tam này. Nếu dự án được thị trường đón nhận, tầng 13 cũng không còn là vấn đề đáng lo ngại đối với nhà đầu tư và cà người mua nhà để ở. Khi đó, tầng 13 cũng như các tầng khác, thậm chí có lợi thế đối với người mua vì giá 'mềm" hơn.
Vị này cho hay, dù chủ đầu tư có né con số 13 bằng thủ thuật nào đi chăng nữa, khách hàng và giới đầu tư vẫn biết rõ điều này. Đây chỉ là quan niệm thuộc về tâm linh, có kiêng có lành. Có người tin số 13 không may mắn, cũng có người không quan tâm lắm. Chính vì thói quen kiêng kỵ số 13 phụ thuộc vào quan điểm và thiếu cơ sở khoa học nên vẫn có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng "ôm hàng" ở các dự án được nhiều người quan tâm để chờ cơ hội bán lại cho người có nhu cầu ở thật.
Chuyên gia này cho biết thêm, theo quy định cấp số nhà cho chung cư cao tầng hiện nay, Phòng Tài nguyên môi trường các địa phương sẽ căn cứ vào thiết kế chi tiết và bản vẽ của tòa nhà để cấp số nhà theo thứ tự. Do đó, dù muốn hay không, trong giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ vẫn sẽ có trường hợp bắt buộc phải ghi số nhà có con số 13.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnexpress