Kiến trúc TPHCM: Đẹp cục bộ, xấu tổng thể

Cập nhật 28/11/2009 08:25

Kiến trúc TPHCM còn mơ hồ về định hướng phong cách hoặc nhại lại kiến trúc châu Âu cổ điển hoặc hiện đại một cách thô thiển. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội nghị “Đánh giá thực trạng kiến trúc và hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư năm 2005-2010” do Hội Kiến trúc sư (KTS) TPHCM tổ chức ngày 27-11.

Nhiều công trình kiến trúc đang bị... xóa sổ

Trong tham luận gửi trước đến hội nghị, ông Trần Chí Dũng, quyền Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, lạc quan: “Các khu vực đô thị mới có bộ mặt kiến trúc khang trang, đồng bộ các công trình đẹp, hài hòa với cảnh quan đô thị được xây dựng.

Các tuyến đường được cải tạo chỉnh trang làm tăng giá trị về kiến trúc cảnh quan của đô thị như khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa...”. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều không hài lòng với bộ mặt kiến trúc TP hiện nay. KTS Lương Anh Dũng nhận xét: Những công trình kiến trúc đang vẽ lại kiến trúc phương Tây thế kỷ 17, 18, kiến trúc Hồi giáo, các công trình mặt phẳng, hình hộp vô cảm, không mang dáng dấp của một đất nước nhiệt đới.

Trong khi đó, nhiều công trình kiến trúc mang đặc trưng của VN cũng như TPHCM đang bị “xóa sổ” dần. TS-KTS Lê Quang Ninh tỏ ra thất vọng với đại lộ Đông Tây, bởi lẽ nó không chỉ thuần là một dự án giao thông mà nó hội đủ các yếu tố di sản đô thị: Bến Nghé-Tàu Hũ đầy ắp những dấu ấn của đô thị sông nước trên bến dưới thuyền,... không ngoa khi nói rằng đây chính là nguồn gốc của TP.

Thế nhưng khi đại lộ hình thành đã phá hủy nhiều kiến trúc cổ lẽ ra cần phải bảo tồn. Còn tòa nhà Văn phòng Quốc hội tại 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước khi xây dựng là một kiến trúc đẹp và bề thế với biệt thự ngói lưu ly là tác phẩm “tân cổ giao duyên” cần bảo tồn.
 

Bộ mặt đại lộ Đông Tây, theo nhiều kiến trúc sư, chưa đẹp vì thiếu thiết kế đô thị. Ảnh: T.Thạnh


Thế nhưng dù đã được cảnh báo, khuyên ngăn, tòa nhà này vẫn bị đập đi để thay bằng một nhà khách nguy nga. “Nhận ra sai lầm thì đã quá muộn, nay lại muốn bảo tồn nhưng nhà 167 bên cạnh cũng muốn đập đi, xây lại, không cho cũng không được”- một đại biểu bức xúc.

KTS Vũ Đại Hải thì cho rằng hiện nay TP cũng có nhiều công trình đơn lẻ kiến trúc đẹp nhưng khi đứng cạnh nhau thì “không thể nào coi được”.

Một trường hợp mà ai cũng có thể thấy là kiến trúc trục đường Nguyễn Văn Trỗi- Nam Kỳ Khởi Nghĩa nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về Hội trường Thống Nhất, mỗi công trình đơn lẻ trên trục này không xấu nhưng khi đứng cạnh nhau lại tạo thành một trục đường xấu.

“Ngay cả các kiến trúc ở khu đô thị mới Nam Sài Gòn cũng bắt đầu có dấu hiệu không đứng cạnh nhau được nữa”- KTS Hải cảnh báo.

Chuyên gia lẽo đẽo sau nhà quản lý


Để xảy ra tình trạng kiến trúc như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng đó là trách nhiệm của chính quyền TP và các nhà quản lý. KTS Hải cho rằng việc quản lý còn thiếu thiết kế đô thị, tức là mới chỉ quy định phần cứng về xây dựng mà quên đi phần thiết kế: phong cách, màu sắc...

Hơn nữa, việc quản lý kiến trúc đô thị phải là quản lý đa ngành, ví dụ cấp phép kinh doanh không chỉ là chuyện của Sở Công Thương mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng phải tham mưu. Hiện nay cấp phép kinh doanh tràn lan, ngay cả khu biệt thự cũng được cấp phép kinh doanh, thế thì còn đâu là mỹ quan, đâu là kiến trúc.

Ý kiến này cũng được KTS Nguyễn Ngọc Dũng đồng tình: “Tình trạng kiến trúc không đồng bộ hiện nay còn là do quy hoạch quá manh mún với nhiều dự án nhỏ lẻ, mỗi chủ đầu tư làm mỗi kiểu. “Quy hoạch, kiến trúc cuối cùng cũng để cuộc sống người dân được tốt hơn, đây mới là mấu chốt chứ không phải chú trọng vào quy hoạch lan tỏa hay quy hoạch trung tâm. Tôi thấy TP chưa xác định được trọng tâm nên cứ một thời gian ngắn lại chỉnh sửa quy hoạch, khiến chất lượng cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng” - KTS Dũng nói.

Còn KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng đội ngũ chuyên gia làm kiến trúc rất thiếu thông tin vì phải lẽo đẽo theo sau nhà quản lý để than vãn khi mọi việc đã rồi. KTS Tất cho biết sau hội thảo sẽ tổng hợp tất cả những ý kiến để báo cáo UBND TP cũng như các cơ quan quản lý nhằm pháp lý hóa tiếng nói của hội nghị cũng như Hội KTS - đại diện cho các chuyên gia.
 

Đội ngũ kiến trúc sư cũng có phần trách nhiệm!

Theo KTS Hồ Lê Phương, kiến trúc xấu hiện nay ở TPHCM đội ngũ KTS cũng có phần trách nhiệm vì người thực hiện kiến trúc không ai khác chính là đội ngũ KTS.

“Cái tôi quá cao không muốn lặp lại ý tưởng của người khác nên ai cũng muốn làm mới, làm khác đi và kết quả là mỗi cá nhân làm thì đẹp nhưng khi ráp lại thì không khớp. Tôi nghĩ mỗi KTS nên hạ bớt cái tôi của mình xuống, nhìn sang người khác một chút, được vậy, dù mỗi người được mời làm mỗi dự án cũng không đến nỗi lệch nhau quá. Đó chính là cái tâm và cái tầm của người làm kiến trúc”.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động