Kiến trúc sư Việt Nam & sức ép hội nhập

Cập nhật 09/09/2007 10:00

Trong thế giới phẳng, quy hoạch kiến trúc không nằm ngoài lề tiến trình toàn cầu hóa. Thế nhưng, bộ mặt kiến trúc Việt Nam vẫn mang vẻ đặc dị không giống ai.

Mặc dù khá bận rộn với hai dự án quy hoạch tổ hợp khu nhà ở và thương mại cao cấp Lachine ở Montreal (Canada), quy hoạch chi tiết Trung tâm Du lịch Thương mại Quốc tế ở Phú Quốc, tiến sĩ - kiến trúc sư (TS-KTS), chuyên gia kiến trúc và quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn vẫn quan tâm đến tình hình quy hoạch ở Hà Nội và TP.HCM, cũng như các dự án đào tạo quốc tế cho các KTS trẻ.

Chính ông đang xúc tiến dự án giáo dục - học bổng Ngô Viết Thụ (cha ông) nhằm hỗ trợ cho một nhóm chuyên viên (quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật, kinh tế, xã hội và quản lý) cùng làm việc trong 3 tháng hè tại một nước APEC để nghiên cứu các vấn đề đô thị, ứng dụng vào VN.

Căn bệnh trầm kha: Thiếu tầm chiến lược

* Thưa ông, có thể hình dung quá trình đô thị hóa ở TP.HCM lại như đang diễn ra ngược lại - nông thôn hóa thành phố qua bộ mặt kiến trúc. Những khu quy hoạch vội vã không theo chuẩn tiếp tục cho ra những khu nhà ống với đủ “cái tôi” lộn xộn; khu đô thị mới có cơ chìm trong nước; chiến lược quy hoạch thay đổi liên tục... Đó là vì giữa những nhà quy hoạch đô thị, chính quyền và giới KTS không có tiếng nói chung, hay vì lý do nào khác?

- TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Mặc dù đã từng làm việc trên 10 năm tại TP, đã nghiên cứu các vấn đề này nhiều năm qua, tôi vẫn cảm thấy dè dặt khi phải khái quát hóa cốt lõi của các vấn đề đô thị hiện nay ở TP.HCM. Giống như một người bệnh trầm kha cần phải được mổ ngay, nhưng các bác sĩ còn phân vân không biết nên bắt đầu từ đâu, vì phải giải quyết nhiều bệnh hiểm nghèo trong cùng một lúc. Đã đến lúc chúng ta cần vạch ra một chiến lược tổng quan, để bảo tồn và phát triển các giá trị của TP.HCM một cách minh bạch, trước khi đi sâu vào các chi tiết và giải pháp cụ thể - để tránh việc giải quyết chưa xong vấn đề này thì đã làm nảy sinh vấn đề khác.

* Vâng, nhưng ai sẽ là người vạch ra chiến lược một cách đúng đắn nhất?

- Các nhà lãnh đạo nên thành lập một nhóm nghiên cứu chiến lược gồm đại diện có thẩm quyền của chính quyền, các chuyên gia đa ngành giàu kinh nghiệm và đại diện của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Tất cả các thành viên cùng nhau chia sẻ, bàn bạc, phân tích và tổng hợp thành một chiến lược quy hoạch kiến trúc chung cho toàn TP.

Đâu rồi những KTS “chuyên khoa”?

* Lớp KTS có tiếng ở TPHCM hầu như không để lại một công trình nào có tên tuổi kể từ sau giải phóng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, có hai lý do chính cho việc chưa có những KTS Việt Nam tầm cỡ quốc tế như tại các nước trong khu vực ASEAN, mặc dù chúng ta có rất nhiều đô thị mới và nhiều KTS trẻ năng động. Đó là tình trạng thiếu những KTS “chuyên khoa” và thiếu những “đơn đặt hàng” quy mô lớn từ các nhà đầu tư trong nước.

* Điều gì đã tạo ra những khoảng trống “chết người” đó ?

- Chính phương pháp đào tạo KTS và đô thị gia trong vài thập niên vừa qua đã tạo nên tình trạng như vậy. Chúng ta cần đào tạo KTS một cách chọn lọc và thiên về chiều sâu hơn là thiên về số lượng. Nhớ - Để tạo điều kiện cho các KTS Việt Nam phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình:

Thứ nhất, dần xác định đội ngũ KTS “chuyên khoa” và nâng cấp tổ chức Hội KTS lên ngang tầm các hội KTS trong khu vực APEC, trong đó chúng ta ký các hiệp định cho phép hội viên KTS các nước APEC hoạt động nghề nghiệp tại Việt Nam, với điều kiện họ cũng cho phép KTS Việt Nam cạnh tranh và nâng cao tay nghề tại các nước này. Chúng ta nên thành lập thêm các chi nhánh Hội KTS tại các vùng có nhiều KTS Việt kiều tại nước ngoài (như California, Washington D.C, Paris), qua đó KTS trong và ngoài nước có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và cùng hợp tác với nhau dễ dàng hơn.

Thứ hai, ban hành chế độ thiết kế phí đặc biệt cho các KTS “chuyên khoa” đã qua đào tạo cao học chuyên khoa hoặc có thâm niên công tác trong lĩnh vực chuyên khoa.

Thứ ba, các cơ quan nhà nước nên chia sẻ bớt trách nhiệm với các công ty tư vấn để được giảm bớt gánh nặng về công tác quản lý và thiết kế.

Thứ tư, nên khuyến khích việc thành lập nhiều tập đoàn kinh tế cổ phần tư nhân để thực hiện các dự án lớn đồng bộ, và hạn chế tối thiểu các dự án xây dựng đơn lẻ (như nhà phố) bởi cá nhân tại các khu đô thị mới.

* Những KTS Việt Nam trẻ làm việc ở nước ngoài như ông có phải chịu nhiều sức ép từ công việc, chuyên môn và việc hội nhập hay không?

- Cho dù ở trong nước hay ở nước ngoài, các KTS phải tự đào luyện học hỏi không ngừng để có thể tồn tại. Với tiền đồ xây dựng ồ ạt như hiện nay, tôi cho rằng sức ép về học hỏi chuyên môn và hội nhập quốc tế cho các KTS ở Việt Nam cũng rất lớn không thua gì tại Bắc Mỹ. Tôi đang chuẩn bị để trong tương lai có thể thường xuyên làm việc tại Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Mỹ. Tôi mong mỏi các KTS Việt Nam cùng đóng góp vào việc làm cho một nước nhỏ như Việt Nam có thể đứng ngang hàng với Trung Quốc và Bắc Mỹ trên bản đồ thế giới về mặt quy hoạch và kiến trúc.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp cao học ĐH Washington và ĐH Berkeley về quy hoạch và kiến trúc. Ông tham gia nhiều dự án quốc tế tại các nước vành đai Thái Bình Dương, đặc biệt tại Việt Nam, Trung Quốc, Canada và Mỹ. Từng tham gia dự án quy hoạch xây dựng Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải-TQ); quy hoạch TT đô thị mới Filinvest (Philippines); TT Almaden Plaza, San Jose (Mỹ); TT huấn luyện phi công Florida (Mỹ), quy hoạch TT khu đô thị Hà Nội Mới ; tham gia dự án mở rộng làng ĐH của ĐH Washington tại Seattle và ĐH California tại San Francisco...



Theo Tạp chí Người Đô Thị