Kiến trúc sư trưởng - Nhạc trưởng đô thị

Cập nhật 04/09/2008 01:00

Kiến trúc sư trưởng là người tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo TP về xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, không ôm đồm việc quản lý, cấp phép xây dựng.

Đề án Kiến trúc sư trưởng thành phố (KTS trưởng TP) đang được Bộ Xây dựng soạn thảo và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay.

Theo đề án, mô hình KTS trưởng TP áp dụng cho các đô thị trực thuộc trung ương và một số đô thị đặc thù. Mô hình KTS trưởng cũng đã được đưa vào dự án Luật Quy hoạch đô thị sẽ thảo luận ở Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 10 tới đây.

Thiếu nhạc trưởng

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay đô thị VN ở nhiều nơi lộn xộn, không có tổ chức, thiếu quy hoạch với các loại hình kiến trúc pha tạp, tùy tiện, manh mún.

“Có thể nói bộ mặt kiến trúc đô thị nước ta hiện như một giàn nhạc đang hoạt động mà thiếu vắng nhạc trưởng” - bộ này ví von.

Trong khi đó, tốc độ cũng như quy mô phát triển đô thị ngày càng cao đòi hỏi công tác quản lý quy hoạch kiến trúc phải là nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, không phải lãnh đạo nào cũng đủ thông tin và kiến thức về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc để thực hiện trách nhiệm xây dựng, quản lý đô thị.

Các sở Quy hoạch-Kiến trúc, Xây dựng lại nặng về quản lý nhà nước, còn chức năng tư vấn, tham mưu thường nhật thì hạn chế, không kịp thời.

“Vì vậy, cần phải có người hoạt động chuyên trách đủ năng lực, chuyên môn giúp chính quyền đô thị thực hiện nhiệm vụ này, đó là KTS trưởng TP” - Bộ Xây dựng phân tích.

Mô hình KTS trưởng đã được thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM cách đây hơn 10 năm, sau đó xóa bỏ bởi có nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, KTS trưởng làm việc như một công chức, có rất nhiều chức năng và quyền hạn như cấp giấy phép xây dựng, thỏa thuận địa điểm xây dựng, địa điểm quy hoạch... Vì vậy, KTS trưởng không còn nhiều thời gian để thực hiện chức năng chính là tham mưu.

Không ôm nhiều việc

Bộ Xây dựng khẳng định đề án KTS trưởng mới sẽ khắc phục những hạn chế trước đây. Theo đó, KTS trưởng không còn ôm đồm nhiều việc như trước mà thể hiện rõ vai trò cá nhân là người tư vấn, tham mưu cho chính quyền đô thị về chuyên môn trong chỉ đạo xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đảm bảo mỹ quan kiến trúc, cảnh quan và môi trường, tạo dựng bộ mặt đô thị hài hòa, có bản sắc.

“KTS trưởng là chức danh cá nhân, hoạt động tư vấn cho lãnh đạo TP về chuyên môn một cách độc lập” - đề án chỉ rõ.

Theo đề án, KTS trưởng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể về không gian quy hoạch, kiến trúc cho các khu vực, trục đường phố, quần thể công trình kiến trúc.

Trên cơ sở đó, TP đưa ra quyết định xây dựng, phương án cải tạo. KTS trưởng phối hợp với sở xây dựng thẩm định các công trình kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn TP, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị...

KTS trưởng là người phát ngôn của chủ tịch UBND TP về những vấn đề liên quan đến kiến trúc, quy hoạch xây dựng. Giúp KTS trưởng thực hiện nhiệm vụ có một số chuyên gia trong lĩnh vực này.



Có kiến trúc sư trưởng, các cụm dân cư sẽ
được xây dựng hài hòa hơn. Ảnh minh họa: HTD.


Vậy khi có KTS trưởng, ở Hà Nội và TP.HCM có còn Sở Quy hoạch-Kiến trúc nữa hay không?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết Sở Quy hoạch-Kiến trúc hiện làm nhiệm vụ về kiến trúc-quy hoạch, còn KTS trưởng làm nhiệm vụ tham mưu cho chủ tịch TP đưa ra những quyết sách lớn trong quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị.

“Như vậy, Sở Quy hoạch-Kiến trúc và KTS trưởng ở hai TP lớn nhất nước có thể tồn tại song song” - ông Chính nói.

Ông Lê Đình Tri, Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc-Quy hoạch (Bộ Xây dựng):

Cần “khám bệnh” cho đô thị

Muốn đô thị phát triển có bản sắc thì rất cần có bàn tay tài hoa của người nhạc trưởng. Ở Việt Nam hiện đang khuyết cả ba thứ: nhận thức của người dân chưa tốt; hệ thống quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện và người làm kiến trúc, quy hoạch cũng chưa có nhận thức đầy đủ.

Vì vậy cần phải có KTS trưởng, được ví như nhạc trưởng trong một giàn nhạc, để điều khiển giàn nhạc đó. KTS trưởng còn giống như vị bác sĩ khám bệnh cho đô thị rồi đưa ra cách điều trị, cách phòng chống bệnh tật cho nó, tránh để bệnh nặng rồi mới thổi còi.

KTS trưởng phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiến trúc hoặc quy hoạch, có thời gian hành nghề kiến trúc không dưới 10 năm và không mắc sai phạm trong thời gian hành nghề.

KTS trưởng phải có năng lực chuyên môn và uy tín nghề nghiệp, đã đạt được những thành tích trong thiết kế kiến trúc và quy hoạch, có kinh nghiệm thực tế về công tác quản lý xây dựng đô thị và am hiểu luật pháp, được Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam hoặc các hội này ở địa phương giới thiệu.

(Trích Đề án KTS trưởng TP)


Theo Pháp Luật TP