Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải: Quy hoạch phải là một chuỗi thống nhất

Cập nhật 01/10/2009 08:45

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, nguyên cán bộ Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TPHCM (trước đây), là một trong những người đầu tiên hưởng ứng Diễn đàn tham vấn nhân dân về quy hoạch do HĐND TPHCM phối hợp với Báo SGGP tổ chức. Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc cuộc trao đổi với ông xung quanh chủ đề phân cấp tổ chức thực hiện và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 cho quận, huyện.

Chỉ cấp thành phố mới thống nhất được quy hoạch


* Thưa kiến trúc sư, theo ông có nên phân cấp cho quận, huyện lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000?

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải.

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải: Quy hoạch phải là một chuỗi thống nhất, có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với nhau. Trong đó, trước nhất phải là sự thống nhất về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cốt san nền trị thủy, đường điện, bưu điện, cấp nước… Tiếp sau đó là sự thống nhất trong bố cục không gian ở từng khu vực. Tất cả những yêu cầu này, chỉ có ở cấp độ chung của thành phố mới làm được.

Tôi lấy ví dụ, phải ở tầm thành phố thì người làm quy hoạch mới đánh giá được tổng thể phát triển của thành phố để từ đó xác định cần phát triển trung tâm chính ở đâu, trung tâm phụ ở đâu. Các trung tâm này không giới hạn bởi địa giới hành chính mà phụ thuộc vào đặc điểm, yêu cầu phát triển chung của thành phố. Có thể 3-4 quận mới có một trung tâm hoặc cũng có thể nhiều hơn, nếu cần.

Trong khi đó, với cách phân cấp cho các quận, huyện lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 như hiện nay thì thành phố sẽ có tới 24 trung tâm vì quận, huyện nào cũng muốn có trung tâm của riêng mình. Điều này đã có một số hậu quả nhãn tiền như quận nào cũng có trung tâm văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, bệnh viện… trong khi đó cấp thành phố cũng có. Hiện có rất nhiều trung tâm văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, bệnh viện… cấp quận, huyện… vắng tanh, không có người sử dụng.

Thử hỏi các trung tâm thể thao cấp thành phố một năm mới vài lần có đoàn đến biểu diễn thì trung tâm thể thao cấp quận, huyện bao lâu mới có đoàn đến? Đây rõ ràng là một sự lãng phí. Tại sao không tập trung các công trình này lại theo từng cụm dân cư? Có thể 2-3 quận mới cần có một trung tâm thể thao. Trung tâm thể thao này sẽ phải xây dựng thật hiện đại, mang tầm vóc khu vực trên cơ sở nguồn vốn của 2-3 trung tâm thể thao lẻ tẻ kia dồn lại. Đối với các bệnh viện cũng vậy. Hiện nay, nhiều trung tâm y tế cấp quận, huyện rất vắng người đến khám bệnh, trong khi đó các bệnh viện cấp thành phố lại rất đông. Tại sao không dồn vốn đầu tư 2-3 trung tâm y tế cấp quận, huyện lại để xây dựng hẳn một bệnh viện hiện đại?

* Việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 ở các quận, huyện đang được thực hiện trên cơ sở quy hoạch chung TPHCM. Như vậy, nếu quy hoạch chung TPHCM thống nhất được các yêu cầu như ông nói và buộc các quận, huyện phải làm theo đề bài ấy thì quy hoạch chi tiết 1/2000 do các quận, huyện làm cũng đạt được sự thống nhất?

Có một tâm lý là địa phương khác có cái gì thì địa phương mình cũng phải có cái ấy. Đó chính là rào cản cho sự thống nhất quy hoạch khi quy hoạch được giao cho các quận, huyện lập và phê duyệt. Thậm chí, trong tình huống TPHCM ra được đầu bài thống nhất cho quy hoạch thành phố theo hướng như tôi nói ở trên thì nhiều quận, huyện cũng sẽ “kèo nèo” xin thêm cho được một số chỉ tiêu xây dựng. Chắc chắn cấp TPHCM sẽ rất khó từ chối các yêu cầu ấy. Đó là chưa kể đến một vấn đề khác: TPHCM có rất nhiều tuyến đường chạy qua nhiều quận, huyện. Ví dụ, đường Điện Biên Phủ chạy qua 3 quận 3, 10, Bình Thạnh. Bố trí kiến trúc ở trục đường này như thế nào nếu mỗi quận đều làm theo ý riêng của mình?

Phân cấp lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 cho các quận, huyện chỉ có một ưu điểm, đó là quy hoạch sẽ thực tế hơn.

Tập trung nhân sự cho Viện và Sở Quy hoạch - Kiến trúc

* Nếu không phân cấp cho quận, huyện lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 mà dồn tất cả lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc, liệu có làm cho sở quá tải không, thưa kiến trúc sư?

Tại sao lại không thể bổ sung người cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc? Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thượng Hải có tới 3.000 cán bộ, Viện Quy hoạch - Kiến trúc Sydney có hơn 1.000 người… Với một số lượng cán bộ đông đảo như vậy thì họ mới có khả năng làm hết công việc được giao.

Quy hoạch đô thị là nền tảng cho việc phát triển đô thị. Đây là một công việc khó khăn, đòi hỏi hàm lượng chất xám cao, không thể tùy tiện giao cho các cán bộ không đủ chuyên môn. Tôi không có ý định nói cán bộ đô thị quận, huyện nào cũng không đủ chuyên môn, song thực tế vẫn còn nhiều cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh như vậy lại càng không nên phân cấp lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 về cho quận, huyện.

Cũng có thể không cần tập trung nhân sự nhiều cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc mà tập trung nhân sự nhiều cho Viện Quy hoạch - Kiến trúc (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM). Có một thực tế là hiện nay nhiều quy hoạch ở các quận, huyện vẫn đang “nhờ” Viện Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện. Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẫn chỉ làm chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch.

* Nếu tập trung công tác làm quy hoạch cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì liệu có lặp lại tình trạng quy hoạch thiếu tính thực tế?

Thời gian qua, đã có tình trạng này xảy ra, dẫn đến nhiều quy hoạch bị “treo” vô thời hạn, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, vẫn có cách để khắc phục điều này. Đó là sau khi Viện Quy hoạch - Kiến trúc lập xong quy hoạch thì đưa quy hoạch này về lại địa phương, lấy ý kiến người dân để cho sát hơn với thực tế. Sau đó, Viện Quy hoạch - Kiến trúc sẽ hoàn chỉnh lại quy hoạch và trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt hoặc Sở trình UBND TPHCM phê duyệt.

* Cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng