Kiến trúc sư, cần được nâng chất

Cập nhật 23/05/2007 15:00

Trong thời kỳ đất nước mở cửa, cũng như các nghề khác, nghề kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đang đứng trước thách thức cạnh tranh khi các KTS nước ngoài sẵn sàng tham gia thị trường kiến trúc xây dựng đầy tiềm năng của nước ta. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện tay nghề đội ngũ KTS là nhu cầu tất yếu. Đây cũng là chủ đề hội thảo: “Công tác đào tạo KTS” do Hội KTS Việt Nam vừa tổ chức tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) với sự tham gia của các nhà khoa học, các KTS hàng đầu và lãnh đạo 9 trường đại học đang có sinh viên theo học nghề kiến trúc.

Những trăn trở của người trong cuộc

Phát biểu tại hội thảo, các giáo sư, KTS hàng đầu đều khẳng định công tác đào tạo KTS trong suốt 45 năm qua của nước ta đã đóng góp những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp hình thành nên đội ngũ KTS có đức, có tài góp phần vào sự nghiệp to lớn của công cuộc kiến thiết và xây dựng nước nhà. Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, công tác đào tạo cần được cải thiện những bất cập, nâng cao chất lượng và trình độ để tiếp cận với nền kiến trúc của thế giới hiện đại. Muốn được như vậy, trước hết cần nhìn thẳng vào thực trạng bấy lâu của công tác đào tạo KTS ở nước ta hiện nay.

Gắn bó cả cuộc đời với công tác dạy nghề và hành nghề kiến trúc, Giáo sư-tiến sĩ-KTS Hoàng Đạo Kính đã bày tỏ sự lo ngại về kiến thức nghiệp vụ và kiến thức xã hội của đội ngũ KTS trẻ hiện nay. Theo ông Kính, chương trình đào tạo KTS ở bậc đại học ở nước ta cần được nâng cao và cải thiện để theo kịp các nước phát triển khác. Bên cạnh đó, số lượng KTS có chí, có điều kiện tiếp tục theo học sau 5 năm đại học để nâng cao kiến thức không nhiều. Đa số các KTS khi ra trường đều “lao” ngay vào thiết kế, mở công ty, hành nghề, bươn chải kiếm tiền… chứ không tập trung lo tích lũy kinh nghiệm để vững nghề trước khi hành nghề. “Thế hệ chúng tôi trước đây, sau khi ra trường được nhận vào các cơ quan đều phải qua vài năm thực tập để phụ việc cho các đàn anh đi trước. Chỉ khi nào thạo việc mới được trực tiếp tham gia thiết kế, hoặc được chỉ huy thi công các công trình. Đó cũng chính là một khâu quan trọng trong việc dạy nghề cho các KTS mà chúng ta đang thiếu hiện nay…” – Giáo sư Hoàng Đạo Kính nói.

Với cái nhìn tổng quan hơn, Phó giáo sư Tiến sĩ KTS Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khái quát: Đào tạo KTS là một quá trình từ đào tạo đại học, sau đại học, hoạt động hành nghề và tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức, tự nghiên cứu, tự học… Hiện cả nước có 13 trường đại học đào tạo KTS nhưng mới có khoảng 10.000 KTS, bình quân đạt 1,2 KTS/10.000 dân. Nếu so với các nước phát triển như: Pháp (4 KTS/10.000 dân), Đức (8 KTS/10.000 dân), Tây Ban Nha (5 KTS/10.000 dân)… thì tỷ lệ này của Việt Nam đang ở mức chưa cao. Bên cạnh đó, ông Hanh đưa ra vài vấn đề đáng suy nghĩ: Việt Nam chưa có KTS đẳng cấp quốc tế, trình độ ngoại ngữ tin học thấp… “Đây là những điều khó với các KTS nếu muốn có chỗ đứng vững chắc trong thời kỳ hội nhập” – ông Hanh trăn trở.

Đi tìm tiếng nói chung

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, học tập và hành nghề để phù hợp với thời kỳ mới là câu hỏi không dễ giải quyết một sớm một chiều. Theo các đại biểu tham gia hội thảo, muốn có một đội ngũ KTS đủ tầm, đủ tâm đưa nền kiến trúc của Việt Nam phát triển, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng mối liên kết giữa các cơ sở dạy học trong nước với nhau, với quốc tế và gắn kết công tác dạy học với thực tập, với hành nghề. KTS Phạm Văn Hài, Hiệu phó Trường Đại học DL Văn Lang (TPHCM) nói: “Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết lẫn thực tế. Sinh viên phải được thực tập nhiều hơn, thường xuyên hơn trong các công ty, các viện nghiên cứu về kiến trúc. Gắn kết giữa học với hành sẽ giúp sinh viên ngành kiến trúc khi ra trường có thể bắt tay hành nghề được ngay”.

Đồng quan điểm đó, Tiến sĩ-KTS Phạm Đình Việt, Trưởng khoa Kiến trúc Quy hoạch đô thị, Trường Đại học Đông Đô cho rằng, với các trường đang đào tạo KTS trong nước cần có sự liên thông để xây dựng chương trình đào tạo chung với thời lượng chiếm khoảng 40% đến 50% các môn học (con số này hiện nay là 20%). Các trường đào tạo kiến trúc cần thành lập một “liên minh” để cùng xây dựng chương trình dạy học có tính chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm với nhau và với các trường dạy nghề này ở các nước tiên tiến khác. Tốt nhất là mở rộng mình, mở rộng liên kết đào tạo và liên thông quốc tế để nâng cao tay nghề cho KTS trẻ” – ông Việt cho hay.

Còn Tiến sĩ KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TPHCM đưa ra quan điểm: Cần xem xét lại kiến thức cơ sở, chọn lọc các môn học thích hợp để tăng kiến thức chuyên ngành và đề cao thực hành cũng như kiến thức xã hội, nhân văn đối với sinh viên kiến trúc. “Chỉ có đổi mới chương trình đào tạo hướng đến thương hiệu và hội nhập, trong đó đề cao tư duy thị trường và hiệu quả kinh tế trong đào tạo thì mới đem lạI thành công trong công tác dạy và học nghề kiến trúc” – KTS Phạm Tứ nói.

Kết luận hội thảo, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khẳng định, sắp tới Hội KTS sẽ có văn bản chính thức kiến nghị về tình hình đào tạo KTS hiện nay với Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục đào tạo. KTS Nguyễn Tấn Vạn nói: “Đổi mới công tác đào tạo KTS sẽ giúp chính bản thân các KTS vững nghề hơn khi vào nghề. Bên cạnh đó, chúng ta còn giải quyết được tình trạng thiếu KTS ở vùng sâu vùng xa, giải quyết nhu cầu xã hội, nhu cầu hành nghề chính đáng của các KTS trong tương lai, khi các KTS nước ngoài chắc chắn sẽ tham gia thị trường kiến trúc xây dựng Việt Nam”.

HẢI NGỌC – LÊ ANH
(Theo SGGP)


9 hạn chế của công tác đào tạo KTS hiện nay

- Công tác tuyển sinh còn nặng về phân bổ chỉ tiêu, phương pháp tuyển sinh chưa đảm bảo điều kiện lựa chọn nhân tài.

- Chương trình đào tạo còn nặng về áp đặt và bị ảnh hưởng nhiều của cách đào tạo cũ, không thích ứng với xu thế hội nhập hiện nay.

- Quá trình đào tạo 5 năm theo phương pháp cứng nhắc, thiếu sự cạnh tranh và chọn lọc nên số sinh viên ra trường luôn chiếm 90% đến 95% số lượng tuyển sinh. Phương pháp giảng dạy còn thiên về thụ động. Các môn học đồ án đồ sộ nhưng đề tài không sát thực tế. Hình thức đánh giá còn nặng về chủ quan.

- Mô hình đào tạo không tương thích với xu thế hội nhập của hệ L-M-D quốc tế. Chương trình đào tạo không được quốc tế công nhận.

- Cơ sở vật chất trang thiết bị thiếu, không đạt chuẩn mực tối thiểu của quốc tế. Các trung tâm thông tin thư viện chưa đáp ứng nhu cầu.

- Chi phí đào tạo còn quá thấp, nguồn thu không đáp ứng nhu cầu.

- Thiếu hệ thống kiểm định chất lượng thống nhất dẫn đến việc Nhà nước cho phép mở trường tùy tiện, không phân biệt được đẳng cấp mỗi trường đối với khu vực và quốc tế.

- Đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đảm bảo chất lượng và số lượng. Đề cương môn học, tài liệu giảng dạy, giáo trình chưa thống nhất chậm đổi mới và sơ cứng.

- Chính sách hành nghề KTS không phù hợp: Không nên cấp chứng chỉ hành nghề như hiện nay mà thay vào đó là việc đăng ký cấp phép hành nghề. Chỉ nên cấp chứng chỉ cho các KTS chủ nhiệm đề án…

(Trích tham luận của PGS-TS-KTS TRẦN TRỌNG HANH)