Kiên quyết thu hồi dự án treo, thực hiện nhà ở an sinh xã hội

Cập nhật 14/02/2013 09:36

“Những dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư đã hết hạn nhưng chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục để được giao đất triển khai dự án, TP chỉ gia hạn đối với chủ đầu tư có năng lực tài chính. Riêng các chủ đầu tư thiếu năng lực thì kiên quyết không xem xét, gia hạn và có biện pháp chế tài, thu hồi đất và giao lại cho các chủ đầu tư khác thực hiện cho mục đích tái định cư và nhà ở xã hội của TP” - Đó là báo cáo của UBND TPHCM với Chính phủ và các bộ - ngành trung ương sau khi kiểm tra, rà soát các dự án trên địa bàn TP trong việc thực hiện Chỉ thị 2196/CT-TTg của Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Kiên quyết thu hồi

Theo thống kê của TP, trong tổng số 921 dự án đã có quyết định thu hồi, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất với hơn 9.300 ha, 90 dự án (gần 3.500 ha) có tỷ lệ bồi thường dưới 50%; 36 dự án (gần 1.180 ha) bồi thường từ 50% đến dưới 80%. Trong số 254 dự án chủ đầu tư được chấp thuận địa điểm đầu tư (chưa giao đất) với diện tích hơn 2.000 ha có 29 dự án có tỷ lệ bồi thường dưới 50%, 54 dự án bồi thường từ 50% đến dưới 80%.

Đối với những dự án chậm triển khai, TP có biện pháp chế tài, xử lý chủ đầu tư chậm thực hiện hoặc không thực hiện các công trình công cộng trong dự án để phục vụ cộng đồng theo quy định. Đối với các trường hợp có tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dưới 50%, TP đã yêu cầu UBND quận - huyện thông báo việc quản lý sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời giao Sở Xây dựng lập thủ tục kêu gọi, xét chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án theo quy định. Những dự án đã thỏa thuận, bồi thường từ 50% đến 80%, TP sẽ chấp thuận cho gia hạn với điều kiện chủ đầu tư phải có văn bản cam kết tiến độ, thời gian thực hiện, hoàn tất các nội dung yêu cầu tại văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư trước đó.

Đối với các dự án triển khai nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai, TP cho phép chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở công nhân và được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nhà ở xã hội hoặc điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đối với những dự án không còn phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở, TP cũng khuyến khích chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tái định cư, nhà cho thuê dài hạn, giá rẻ phục vụ cho nhu cầu an sinh xã hội. Riêng những dự án đã có văn bản chấp thuận đầu tư trước ngày 8-8-2010 nhưng đã hết thời hạn hiệu lực mà chưa bồi thường hoặc chỉ mới bồi thường dưới 50%, TP sẽ không tiếp tục gia hạn và thu hồi. Các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện do khó khăn về tài chính, TP cũng sẽ thu hồi. Đối với những dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư đã hết hạn nhưng chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục để được giao đất triển khai dự án, TP chỉ gia hạn đối với chủ đầu tư có năng lực tài chính. Riêng các chủ đầu tư thiếu năng lực thì kiên quyết không xem xét, gia hạn và có biện pháp chế tài, thu hồi đất và giao lại cho các chủ đầu tư khác thực hiện cho mục đích tái định cư và nhà ở xã hội.

Hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi đất

Một vị lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM nhận định: Tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản bị ngưng trệ, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất được tính theo giá thị trường… là những trở ngại khiến nhà đầu tư chậm thực hiện dự án. Thực tế hiện nay trên địa bàn TP, có nhiều dự án đang dở dang không phải vì DN thiếu năng lực mà do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có một số dự án đã đền bù hơn 90% nhưng 10% còn lại người dân đòi mức giá quá cao, thậm chí phi lý nên dự án bị ách tắc.

Để giải quyết việc này, UBND TP vừa đưa ra một số giải pháp giúp đỡ các DN đang thực hiện dự án thông qua nhiều phương án. Cụ thể, dự án đã bồi thường trên 80% diện tích mà nay không thể tiếp tục bồi thường phần diện tích còn lại, UBND TP sẽ tổ chức thu hồi phần diện tích còn lại; yêu cầu DN bồi thường với mức giá cao nhất đã thực hiện để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng; áp dụng nguyên tắc giá bồi thường đất nông nghiệp quy đổi theo tỷ lệ phần trăm giá trị đất ở, tỷ lệ này theo thực tế thực hiện trên địa bàn TPHCM đã được các DN áp dụng là từ 8% - 10% tùy theo loại đất và khu vực.

Còn những dự án nhà ở thương mại đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai, TP sẽ cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và được hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước đối với nhà ở xã hội; điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án cho phù hợp với thị trường. Riêng đối với các dự án tạm dừng, TP cũng khuyến khích các DN thực hiện việc hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng cho những NĐT có năng lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Sở TN-MT TPHCM cho biết, trong năm 2012, TP đã thu hồi và xử lý 71 khu đất với tổng diện tích hơn 3.095 ha. Cũng trong năm 2012, sở đã trình TP duyệt danh mục 20 khu đất đấu giá, đến nay đã bán đấu giá 3 khu đất tại quận 12, Củ Chi và Hóc Môn, thu về hơn 20 tỷ đồng cho ngân sách. Trong năm 2013, sở sẽ trình TP duyệt danh mục 12 khu đất với tổng diện tích hơn 221 ha (phần lớn là đất công, chủ yếu nằm ở các quận 12, Bình Tân, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ) và lập thủ tục đưa ra đấu giá.

Liên quan đến các dự án chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở TN-MT sau khi thu hồi dự án cần công khai cho người dân biết, đồng thời có chính sách thu hút các nhà đầu tư nhằm tìm đầu ra cho dự án. Nếu chủ đầu tư sau tiếp tục chây ì hoặc không làm được thì cần phải xử phạt nặng.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP