Việc dừng cấp phép công trình cao tầng là cần thiết, nhưng thực hiện đồng loạt mà chưa làm rõ tiêu chí, không cho xây dựng nhà cao tầng sẽ khó cho cả người dân, các chủ đầu tư và nhà quản lý.
Ảnh: webbatdongsan.vn
|
Ông Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, có thể dành những "điểm" hay một vài trục cho cao ốc trong khu vực trung tâm, nhưng kiên quyết dừng đối với những dự án không phù hợp, nóng về hạ tầng, dù đã hoàn thiện thủ tục ở những vị trí "đỏ"- đây là cách giải cho bài toán hạn chế xây dựng cao ốc trong khu trung tâm đang được cơ quan chức năng tính đến.
Tránh gây ách tắc không cần thiết
Ông Nguyễn Đình Toàn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, thành phố phải nhanh chóng có cách làm cụ thể, chi tiết hơn để gỡ bài toán này. Cần tiến hành rà soát nhanh để làm rõ xem trong vành đai 1 hiện có bao nhiêu dự án, công trình cao tầng, vành đai 2 thế nào và tương tự như vậy với vành đai 3 và 4.
Phải làm rõ chỗ nào được phép xây dựng, chỗ nào phải dừng. Không phải cứ nói dừng là dừng hết. Phải kiểm tra, rà soát từng vị trí, từng dự án như đã làm trước đây ở ngoài vành đai 3. Trên cơ sở đó, thành phố thống nhất với Bộ Xây dựng về tiêu chí, đề xuất với Chính phủ về mật độ, tầng cao cho những công trình trong từng khu vực, tránh dừng đồng loạt, gây ách tắc không cần thiết.
“Chủ trương là hết sức đúng đắn song cách triển khai dường như hơi vội vàng. Theo tôi, phải có kiểm kê, đánh giá và báo cáo với Thủ tướng. Cần làm rõ trường hợp nào có thể hồi tố, trường hợp nào không để giải quyết tồn tại quá khứ. Chấp hành nghiêm chỉnh quá nhưng thành ra cứng nhắc, thiếu sáng tạo” - ông Trần Trọng Hanh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc) phân tích – “Cách ứng xử phải mềm dẻo, thật đúng. Phải kiểm tra trước, có thực trạng mới tạo ra sự hài hòa trong quản lý. Đây là vấn đề tế nhị và cần bình tĩnh để tìm đối sách bởi thực ra các nhà đầu tư không làm trái quy định trước đây. Phải tổng rà soát, phân loại rõ ràng, đối chiếu với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và đối với từng loại dự án sẽ có ứng xử riêng, chứ không thể trói voi bỏ rọ, khiến toàn bộ cỗ máy dừng lại thì kết quả không hẳn đã tốt. Thủ đô đủ trí tuệ để làm điều đo”.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, việc dừng cấp phép xây dựng các cao ốc trong khu trung tâm được đặt ra trong bối cảnh hoạch định quy hoạch chung cho Hà Nội, song lại liên quan đến vấn đề quản lý đô thị của thành phố Hà Nội. Trên thực tế, trong khu vực trung tâm vẫn có những điểm phù hợp cho cao ốc với điều kiện có hạ tầng phù hợp để xây dựng công trình kiến trúc như một điểm nhấn, góp phần tạo lập những hình thái không gian kiến trúc vì kết cấu không gian cần có cao, có thấp.
UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 556 ngày 22/1/2010 kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện văn bản số 348/TB-VPCP với hai nội dung cơ bản: Một là, với nhà cao tầng trong khu trung tâm đề nghị Chính phủ giao cho Hà Nội nghiên cứu quản lý chi tiết, phân vùng các khu vực không gian và chức năng để xác lập các yêu cầu quản lý nhà cao tầng. Hai là, cải tạo các khu chung cư cũ trong khu trung tâm với điều kiện đảm bảo việc không gia tăng dân số.
Theo ông Dương Đức Tuấn, khu vực trung tâm không chỉ đơn thuần là 4 quận nội thành cũ mà còn bao gồm cả một phần quận Tây Hồ, quận Hoàng Mai nhưng có thể không phải toàn bộ của quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Sẽ phân 3 mảng màu
Sau khi tập thể Chính phủ nghe báo cáo lần 5 của liên danh tư vấn PPJ về quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, Chính phủ đã ra nghị quyết cho vấn đề này. Theo đó, Chính phủ thống nhất đề xuất của Hà Nội. Với khu chung cư cũ được phép phát triển nhà cao tầng, nhưng không làm gia tăng dân số. Với nhà cao tầng trong khu vực trung tâm, từ vành đai 2 trở vào hạn chế phát triển nhà cao tầng nhưng vẫn có điển nhấn, tạo dựng kết cấu phù hợp, xác định một số cụm, trục cao tầng. Vấn đề là ở những vị trí đó hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được và không làm gia tăng dân số. Đơn cử như phố Liễu Giai, tuy nằm ở quận Ba Đình nhưng sẽ là một trục cho các công trình cao tầng. Khu vực Ô Đông Mác, đê Nguyễn Khoái vẫn được hình thành cụm cao tầng nhằm tạo lập hình thái không gian kiến trúc.
Được biết, UBND TP đã có văn bản yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu chi tiết hóa để báo cáo Thành phố. Đồng thời có tổng hợp ý kiến các ngành để làm rõ hình thái quản lý, đặc biệt là làm rõ các dự án xây dựng cao ốc đã, đang và sẽ triển khai thực hiện. Trong đó làm rõ tính pháp lý, xác định tổ chức không gian hợp lý để có định hướng quản lý cho phù hợp. Từ đó, Thành phố sẽ có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chi tiết hóa các hình thức quản lý theo hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Về cách làm, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, cần tổng hợp lại toàn bộ thông tin về các nhà cao tầng từ vành đai 2 trở vào. Xây dựng bản đồ, dựng một bức tranh tổng thể về nhà cao tầng trong khu vực này. Trong bản đồ sẽ có 3 màu "xanh, vàng, đỏ" cho các dạng dự án, gắn với quy hoạch chung và có kết cấu biện chứng hợp lý trong một tổng thể hoàn chỉnh. Trong đó "màu xanh" là biểu tượng cho nhưng khu vực có thể xây dựng được nhà cao tầng, "màu vàng" chưa đến mức báo động còn "màu đỏ" là khu vực không thể chấp nhận việc xây dựng thêm nhà cao tầng. Để "tô màu" cho các dự án, công trình có thể chia làm 3 loại làm căn cứ cho việc xác định cách xử lý:
Loại thứ nhất, dự án đã có quy hoạch hay đã có thỏa thuận quy hoạch kiến trúc. Loại thứ hai, dự án đã cấp phép nhưng chưa khởi công, đã hoặc chưa cấp đất. Loại thứ 3, mới chỉ có đề xuất chưa có thỏa thuận…
Từ đó, xác định khu nào có thể xây cao, khu nào xây thấp. Không đơn giản là nghiên cứu về tổ chức không gian mà còn cần tính đến các vấn đề môi trường, văn hóa, hạ tầng, tái phát triển và phát triển mới. Vì thế cần tuân thủ các quy chuẩn, quy hoạch như quy hoạch phố cổ, phố cũ; quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận, quy hoạch Hồ Tây và khu vực xung quanh cũng như các quy chế về quản lý di tích, di sản văn hóa, lịch sử. Những dự án tuy đã có đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng nằm trong khu vực có màu "đỏ" cũng sẽ phải dừng lại. Đây cũng là một lần để nhìn nhận lại việc thực hiện các quy hoạch trước đó, đặc biệt là quy hoạch chung Thủ đô phê duyệt năm 1998.
Sự hy sinh cần thiết
Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai được nhiều dự án lớn, hoành tráng, góp phần tạo dựng hình ảnh, vị thế của một thủ đô văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, vì bản sắc cho một thủ đô văn hiến sắp nghìn năm tuổi cũng đã có những dự án phải dừng lại cho dù đã đầy đủ "lệ bộ" như dự án xây dựng công trình trên đất của chợ "Âm phủ" cũ (nay đã là con đường đẹp), dự án trên khu đất phía trước Nhà hát Lớn (nay đã là vườn hoa), hay dự án khách sạn SAS trong công viên Thống Nhất… Các dự án này dừng lại đều gây ra những tổn thất về mặt kinh tế và Thành phố đều phải có những đền bù tương xứng cho các chủ đầu tư. Nhưng rõ ràng, việc các dự án nêu trên dừng lại đã để lại cho Hà Nội những công viên, vườn hoa, con đường có giá trị về không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử đặc biệt mà nếu mất đi thì không thể bù đắp.
Trong đợt rà soát 244 đồ án quy hoạch, dự án ở khu vực vành đai 3 trở ra cũng như việc rà soát tới đây đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm sẽ có dự án được triển khai tiếp, nhưng cũng có dự án, công trình sẽ phải dừng lại. Việc rà soát, xử lý các dự án trên cơ sở khoa học với định tính, định lượng đầy đủ nhằm tạo dựng tương lai bền vững, giữ gìn bản sắc cho một thành phố có vị trí đặc biệt như thủ đô Hà Nội sẽ buộc phải có những hy sinh rất …đáng, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cũng như sự đồng lòng để thực hiện.
>>Bài toán của kiểm soát và phát triển
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị