Kiến nghị “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất

Cập nhật 13/04/2013 06:01

Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo luật Đất đai sửa đổi, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 12.4, nhiều thành viên Hội đồng tư vấn của MTTQ kiến nghị cần bịt kẽ hở tùy tiện, lạm dụng quyền lực trong cưỡng chế thu hồi đất, không giao cơ quan hành pháp được quyền thu hồi đất mà chỉ được trưng mua.

Triệt tiêu tình trạng lạm quyền

Không chấp nhận việc giao cơ quan hành pháp quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với người dân đang sử dụng đất để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo các hợp đồng dân sự


GS Nguyễn Lang, thành viên HĐTV về kinh tế của MTTQ
 

Nhìn nhận cưỡng chế thu hồi đất là vấn đề “cực kỳ bức xúc”, nguyên Phó chủ tịch MTTQ TP.Hà Nội Phạm Ngọc Thảo, thành viên Hội đồng tư vấn (HĐTV) dân chủ pháp luật đề nghị bổ sung một khoản quy định trong dự luật Đất đai sửa đổi “chỉ cưỡng chế thu hồi đất khi người bị thu hồi đất vi phạm pháp luật”, nhằm hạn chế việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm dụng quyền lực để cưỡng chế, gây thiệt hại cho người dân, khi chính các cơ quan thu hồi đất vi phạm chính sách. Theo đó, điều 71 cần được bổ sung một khoản quy định rõ “việc cưỡng chế thực hiện quyết định, kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, quyết định thu hồi đất được thực hiện trong trường hợp người bị thu hồi đất vi phạm pháp luật và chống đối sau khi đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật về thu hồi đất”.

“Quy định như vậy sẽ buộc các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về thu hồi đất mà không thể tùy tiện áp đặt. Sau đó nếu người dân bị thu hồi đất cố tình vi phạm thì mới cưỡng chế. Điều này sẽ tránh được tình trạng lạm dụng quyền lực để cưỡng chế, ép buộc người dân mà có tới 70-80% vụ việc là do cơ quan nhà nước sai phạm trong những năm vừa qua”, ông Thảo lý giải. Ông cũng kiến nghị thêm: “Cần bỏ quy định tại khoản 3 điều 71 về việc Chính phủ quy định việc thu hồi, cưỡng chế mà nên quy định luôn trong luật để người dân được rõ, từ đó có ý thức chấp hành và giám sát việc thực hiện”.

GS Nguyễn Lang, thành viên HĐTV về kinh tế của MTTQ, cũng đề nghị dự luật sửa đổi cần làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội (với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai) và Chính phủ (với trách nhiệm thực hiện sự thống nhất quản lý nhà nước) trong việc tổ chức khai thác tài nguyên đất một cách tiết kiệm với hiệu quả cao. Theo GS Lang, quy định rõ để đồng thời bảo đảm quyền làm chủ của người nhận quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực để thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất dẫn đến khiếu nại, tố cáo làm tăng bất đồng xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội.
 

GS Nguyễn Lang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Thắng

Không giao cơ quan hành pháp thu hồi đất

Liên quan đến quy định thu hồi đất, GS Nguyễn Lân Dũng kể lại câu chuyện khi còn làm đại biểu QH. Trong một lần ông đến một địa phương theo lời mời của một vị đại biểu QH khác, người dân ở đó đã “vây” chặt lấy ông để hỏi can cớ gì mà ruộng ngô của họ bị thu hồi chỉ để cho một tư nhân khác trồng cam? Từ câu chuyện này, GS Dũng đề nghị trong luật Đất đai sửa đổi cần bỏ khái niệm "thu hồi đất", thay vào đó là "trưng mua, trưng dụng đất" phù hợp trong từng trường hợp nhà nước lấy đất của dân phục vụ cho lợi ích quốc gia hay lợi ích công cộng.

GS Nguyễn Lang chỉ ra một trong những “khiếm khuyết” của dự thảo luật Đất đai sửa đổi là tiếp tục củng cố và nâng cao quyền thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho người dân (chủ yếu là nông dân). Ông nhấn mạnh việc sửa luật lần này cần khắc phục cho được những thiếu sót, sai lầm của bộ máy hành pháp trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân theo hướng hạn chế quyền trưng mua, trưng thu đất, chỉ sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do an ninh, quốc phòng. “Không chấp nhận việc giao cơ quan hành pháp quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với người dân đang sử dụng đất để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo các hợp đồng dân sự”, GS Lang góp ý.

Phải có chế tài nếu chậm bồi thường

Hôm qua, tại buổi họp báo của Bộ TN-MT, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, cho biết đến thời điểm này đã có trên 6 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Theo ông Chính, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và giao đất, cho thuê đất là những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo tầng lớp nhân dân, mỗi nội dung có tới trên 1 triệu lượt ý kiến đóng góp. Trong đó, người dân kiến nghị cần có quy định cụ thể về trình tự thủ tục thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất, bồi thường theo giá của loại đất bị thu hồi tại thời điểm cơ quan hữu trách ban hành quyết định thu hồi đất. Khi thu hồi đất ở thì bồi thường toàn bộ diện tích đất ở bị thu hồi đồng thời phải có chế tài để xử lý trong trường hợp nhà nước bồi thường chậm cho người dân có đất bị thu hồi.

Liên quan đến việc chuyển nước, tranh chấp nguồn nước, ông Lê Hữu Thuần, Cục phó Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết: “Việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác, cần cân nhắc đến nhiều vấn đề, phải đem lại lợi ích cho nhiều bên, ảnh hưởng ít nhất đến đời sống dân sinh và nếu ảnh hưởng đến đời sống dân sinh thì phải có giải pháp thỏa đáng”. Về cơ chế giải quyết tranh chấp tài nguyên nước, ông Thuần cho biết nhà nước khuyến khích giải quyết các tranh chấp này bằng biện pháp hòa giải, nếu hòa giải bất thành các bên liên quan có thể đưa ra tòa án để phân xử.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên